Thầy, cô giáo hiểu và tôn trọng cá tính học trò giúp việc dạy và học tốt hơn 

Cá tính là nét riêng, bản sắc độc đáo của mỗi người. Học sinh là lứa tuổi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách. Đang ở độ dậy thì nên cá tính các em phát triển mạnh. Hơn 40 học sinh trong lớp là hơn 40 cá tính khác nhau. Nắm bắt kịp thời và thấu hiểu cá tính để có cách ứng xử, giáo dục phù hợp là trách nhiệm của mỗi người thầy.

Trong đề thi môn ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu hỏi này được dư luận đánh giá cao vì sát tâm lý tuổi trẻ và đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ nhận thức đúng đắn về cá tính mỗi người, khẳng định giá trị cá tính của bản thân để từ đó biết tôn trọng cá tính của nhau mà bao dung hơn, ứng xử nhân văn, tích cực hơn. Cô Lê Hải Yến, giáo viên Trường THPT Trần Văn Kỷ (Phong Điền) chia sẻ: “Trong giáo dục, khi người thầy luôn biết tôn trọng cá tính học sinh thì các em có tâm thế thoải mái để tiếp nhận kiến thức, cảm thấy mình được tôn trọng nên học sinh sẵn sàng phát biểu xây dựng bài, bày tỏ ý kiến, xóa bỏ những mặc cảm tự ti... Từ đó, thầy cô có cơ hội để gần gũi, thấu hiểu học sinh mình hơn”.

Học sinh mỗi vùng miền ít nhiều có sự khác nhau trong cách ăn mặc, lời nói, hành động, thái độ, suy nghĩ… Vì thế, người thầy cần phải nắm bắt để có cách ứng xử phù hợp với cá tính của các em. 7 năm công tác ở Trường THCS – THPT Hồng Vân (A Lưới) thầy giáo Trần Đình Phương hiểu rõ cá tính của học sinh mình. Là người dân tộc nên học sinh ở đây chân chất, mộc mạc trong lời nói, suy nghĩ và hành động. Các em ngại giao tiếp với người lạ nhưng lại rất dễ làm quen, sống thiên về cảm xúc, tình cảm. Để động viên, khích lệ các em, theo thầy Phương, người thầy phải thật sự tôn trọng các em từ lời nói đến suy nghĩ, lối sống. Phải gần gũi để nắm bắt được tâm lý, tính cách mà nhẹ nhàng động viên và có phương pháp giáo dục phù hợp. Tôn trọng năng lực, phong tục thì các em sẽ có thêm động lực để không nghỉ học giữa chừng.

Đổi mới giáo dục cũng không nằm ngoài mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Tôn trọng cá tính của học sinh giúp các em khẳng định được giá trị, bản sắc; phát huy hết năng lực nội tại để phát triển bản thân và tỏa sáng. Một khi bạn trẻ nhận ra cá tính của mình được tôn trọng thì chắc chắn các bạn sẽ biết tôn trọng cá tính của những người xung quanh, từ đó biết chung sống hài hòa với các thành viên trong một tập thể lớp học, nhà trường. Cô Dương Thị Lan ở Trường THCS Thủy Châu (Hương Thủy) chia sẻ kinh nghiệm hơn 25 năm đứng lớp của mình: “Học sinh lớp 8, lớp 9 là lứa tuổi mà cá tính thể hiện rõ nét. Lứa tuổi dậy thì nên tâm lý của các em thay đổi, nhiều màu sắc khác nhau. Vì thế, để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò, giữa trò với trò thì giáo viên phải thật sự tôn trọng cá tính của các em. Tôn trọng để có phương pháp uốn nắn phù hợp cho từng em. Đây cũng là cách để hạn chế tối đa mâu thuẫn xảy ra trong học đường hiện nay”.

Thực tế giờ học ở các trường phổ thông, có không ít học sinh rất thụ động, ngại phát biểu trước tập thể; thiếu tư duy phản biện… Có lẽ, một phần là do người dạy chưa chú ý khơi dậy sự tự tin trong mỗi học sinh. Một lời nói, cử chỉ, một việc làm, hành động của các em được thầy cô quan sát, nắm bắt, phân tích cặn kẽ sẽ mang đến cho các em sự khích lệ đáng kể, bởi các em nhận ra mình thật sự được tôn trọng. Biết đâu từ niềm phấn khởi đó, giờ học trở nên nhẹ nhàng, suy nghĩ, lời phát biểu của trò trở thành những phát minh nho nhỏ. Qua mỗi giờ học, mỗi bạn trẻ trở thành một nhân cách cởi mở, bản lĩnh, sáng tạo hơn trong hành trình chinh phục tri thức để phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: Văn Toản