Nhiều khách hàng mong muốn tiếp cận vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn |
Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai từ năm 2004. Các hộ gia đình cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn được xem xét cho vay trong trường hợp hộ gia đình chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa bảo đảm theo tiêu chuẩn Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường. Trước năm 2018, mức cho vay tối đa đối với mỗi loại công trình nước sạch, công trình vệ sinh là 6 triệu đồng/công trình, đến tháng 9 năm 2018, mức cho vay đã được điều chỉnh lên 10 triệu đồng/công trình, tức là tăng tối đa 2 công trình từ 12 triệu đồng/hộ lên 20 triệu đồng/hộ.
Số liệu từ NHCSXH tỉnh, đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay chương trình NS&VSMTNT hơn 621 tỷ đồng với gần 38.000 khách hàng còn dư nợ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chi nhánh cũng đã giải ngân cho hơn 6.300 khách hàng vay vốn để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch, công trình vệ sinh với số tiền hơn 126 tỷ đồng.
Hiện nay, tại các khu vực nông thôn, nhu cầu vay vốn NS&VSMTNT rất lớn. Song không ít lần trong các cuộc họp, tiếp xúc giữa chính quyền địa phương, người dân và các tổ tiết kiệm và vay vốn với NHCSXH tỉnh đều cho rằng, với hạn mức vay 10 triệu đồng/công trình và mỗi hộ được vay tối đa 20 triệu đồng để làm 2 công trình là quá thấp, không còn phù hợp với nhu cầu thực tế. Nhiều kiến nghị từ cơ sở được tổng hợp trình lên cấp trên đề xuất nâng hạn mức cho vay cao hơn, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng có cơ hội đầu tư công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo, phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm hiện nay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh, chương trình cho vay NS&VSMTNT là một trong những chương trình chiếm tỷ trọng dư nợ lớn tại ngân hàng. Quá trình triển khai chương trình tín dụng NS&VSMTNT đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Hiệu quả chương trình cho vay được thực tiễn chứng minh, song với sự gia tăng về dân số, tốc độ đô thị hóa khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng cao. Nhiều công trình NS&VSMTNT riêng lẻ của các hộ dân xây dựng từ lâu đã xuống cấp. Ngoài ra, với tác động của giá cả thị trường, mức vay tối đa 10 triệu đồng/công trình của chương trình cho vay NS&VSMTNT không còn đảm bảo được mức đầu tư tối thiểu cho một công trình.
Nhu cầu vay lớn, hạn mức vay chưa đáp ứng đang là khó khăn mà chương trình cho vay này gặp phải. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã có quyết định nâng hạn mức cho vay tối đa một công trình lên 25 triệu đồng kể từ ngày 2/9/2024. Theo đó, hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa sẽ được vay vốn với mức cho vay tối đa 25 triệu đồng/1 loại công trình. Như vậy, khách hàng vay vốn từ chương trình này có thể vay đối đa đến 50 triệu đồng thay vì chỉ 20 triệu đồng như trước đây.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cũng chia sẻ, để chương trình này ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng, đảm bảo người dân sử dụng vốn đúng mục đích, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn nắm bắt nhu cầu của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình tiếp cận vốn… Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích.