Võ sĩ boxing Hà Thị Linh. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN |
Huy Hoàng chỉ xếp thứ 28 trong tổng số 31 VĐV, kém 23 giây 80 so với VĐV ở vị trí thứ 8. Đây là bước thụt lùi so với chính Huy Hoàng, bởi ở kỳ Olympic Tokyo năm 2021, Huy Hoàng xếp ở vị trí thứ 20, là kình ngư châu Á duy nhất có mặt trong top 20 VĐV tranh tài ở nội dung bơi 800m tự do nam.
Những kết quả này thực ra đều đã được dự báo trước giờ lên đường, do trước khi tham dự Olympic Paris 2024, các VĐV trọng điểm của Việt Nam đều đã trải qua một bài “kiểm tra” hạng nặng mang tên Asiad 2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào năm ngoái. Cả Hà Thị Linh và Huy Hoàng đều không có được thứ hạng cao nhất. Sân chơi Olympic quả thực là vô cùng khắc nghiệt, bởi ngay cả VĐV xếp thứ nhất vòng loại ở lượt bơi của Huy Hoàng là kình ngư người Áo Felix Auboeck cũng không có vé dự chung kết, khi chỉ xếp hạng 13 chung cuộc.
Ở những môn thi đấu cơ bản của Olympic như điền kinh hay bơi lội, cơ hội của VĐV Việt Nam không cao, do khác biệt quá lớn về tầm vóc và thể trạng. Không chỉ Huy Hoàng hay Hà Thị Linh, ngay cả một số ít VĐV lập được kỳ tích tại Olympic Paris 2024 như tay chèo Phạm Thị Huệ, người đã xuất sắc giành vé tham dự vòng tứ kết rowing tại Thế vận hội năm nay, cũng phải thừa nhận bất lợi về thể trạng của VĐV Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Phạm Thị Huệ tâm sự: “Em không cảm thấy bị ngợp khi gặp các đối thủ to cao vì đã gặp họ nhiều lần qua các giải vô địch thế giới. Vậy nên em nhận định được luôn đối thủ và sức của em tới đâu. Em cũng khao khát được tiến sâu hơn tại Thế vận hội và cũng muốn được ghi tên mình tại một đấu trường như Olympic, nhưng với những môn dùng sức, thể trạng châu Á của mình nhỏ bé lắm”.
Mỗi ngày qua đi, những hy vọng huy chương của đoàn thể thao Việt Nam lại càng ít đi, đặc biệt khi phải cạnh tranh với VĐV các nước ở những nội dung yêu cầu nhiều sức mạnh cơ bắp. Thành tích tốt nhất của thể thao Việt Nam ở thời điểm này là nội dung súng ngắn hơi 10m của Trịnh Thu Vinh, khi nữ xạ thủ của Việt Nam đã xuất sắc lọt vào tới top 4.
Bắn súng cũng là một trong những môn thể thao hiếm hoi ở Olympic mà sự khác biệt về thể hình thể lực không tạo nên bất lợi quá lớn cho những VĐV có tầm vóc khiêm tốn, và có lẽ đây nên là hướng để thể thao Việt Nam đầu tư trọng điểm cho những kỳ Olympic tiếp theo trong tương lai.
Dĩ nhiên chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục đầu tư cho những môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh hay bơi lội, để nếu Huy Hoàng phiên bản Tokyo 2020 hay Paris 2024 chỉ lọt vào top 20 hay top 30 thì chúng ta sẽ hy vọng có những kình ngư Việt Nam xuất sắc hơn nữa tranh tài tại Los Angeles 2028 hay xa hơn là Brisbane 2032.
Tất cả đều hướng tới mục tiêu duy nhất là càng có thêm thật nhiều hy vọng huy chương ở đấu trường Olympic càng tốt. Khi đó, cách biệt về thể trạng hay sức lực sẽ không còn là vấn đề với thể thao Việt Nam.