Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CP 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 90 quyết định quy phạm. Các bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn có liên quan. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với những cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đầu tư, kinh doanh...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng, thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và thông qua các luật, nghị quyết; nhất là trong những giai đoạn khó khăn của phòng, chống dịch, giai đoạn thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó hơn. Thực tế thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả; chưa khơi thông được mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, nhất là liên quan tới các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

 Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế 

Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị là hết sức cần thiết nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống, đồng thời điểm lại một số kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.

Cùng với đó, lắng nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực tế cũng như trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, quán triệt Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Hội nghị còn nghe các đại biểu tham luận, phát biểu ý kiến về triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện Quy định số 178 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; một số nội dung trọng tâm và việc chuẩn bị nguồn lực thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô; công tác chuẩn bị, kết quả tổ chức triển khai thi hành và những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội…

THÁI BÌNH