Nền tảng kết nối báo chí truyền thông được tích hợp trên Hue-S |
Hỗ trợ 3 chức năng chính
Từ thực tế công tác quản lý báo chí truyền thông trên địa bàn, cùng những kinh nghiệm trong thời gian thử nghiệm tiện ích “Mạng lưới phát ngôn” trên Hue-S, tháng 3/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đưa vào vận hành chính thức Nền tảng kết nối báo chí truyền thông của tỉnh.
Được hiển thị trên Hue-S với tên gọi “Mạng lưới phát ngôn”, nền tảng số kết nối truyền thông cung cấp cho các cơ quan báo chí (CQBC) và phóng viên đủ điều kiện, được xác thực định danh 3 nhóm chức năng chính, gồm: Báo chí gửi câu hỏi cho CQNN; CQNN gửi thông tin cho báo chí phục vụ truyền thông và thông tin sự kiện, giấy mời, thẻ tác nghiệp báo chí điện tử.
Phóng viên khi đăng ký trực tuyến tham gia mạng lưới phát ngôn trên Hue-S, dữ liệu đăng ký sẽ được xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực định danh và là sơ sở tham gia tác nghiệp trên nền tảng số. Đồng thời, CQNN trên địa bàn tỉnh cũng sẽ cung cấp dữ liệu nguồn (bao gồm nội dung thông tin, hình ảnh, clip) cho báo chí qua Hue-S. Ngoài ra, đầu mối liên hệ cũng được cung cấp để các phóng viên tiếp cận khi có nhu cầu làm rõ thông tin.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), dữ liệu nguồn sẽ được cung cấp đến toàn bộ các CQBC có đăng ký sử dụng mạng lưới phát ngôn trên Hue-S kèm thông báo nhanh trên ứng dụng, giúp phóng viên tiếp cận ngay thông tin. “Dữ liệu nguồn được xác định là nguồn chính thống để CQBC sử dụng cho hoạt động truyền thông mà không cần phải thêm bước xác thực thông tin theo quy định của UBND tỉnh”, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn cho biết.
Đáng chú ý, với chức năng “Báo chí đặt câu hỏi cho cơ quan nhà nước” được áp dụng thống nhất theo quy trình phản ánh hiện trường. Nghĩa là câu hỏi của phóng viên gửi được Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh - IOC chuyển đến đúng cơ quan có trách nhiệm trả lời, đồng thời, giám sát về tiến độ theo quy định và kết quả trả lời phải được cập nhật trên Hue-S. “Qua đó, giúp tăng hiệu quả các hoạt động tương tác giữa CQBC, phóng viên với các CQNN của tỉnh”, người đứng đầu Sở TT&TT nhận định.
Ngoài ra, với chức năng “Kết nối báo chí tham gia sự kiện”, phóng viên sẽ tiếp cận được giấy mời điện tử cũng như các tư liệu/thông tin kèm theo và tùy theo sự kiện sẽ có thẻ tác nghiệp báo chí điện tử để tạo điều kiện tác nghiệp cho báo chí. Như vậy, CQBC chỉ cần sử dụng dữ liệu điện tử trên Hue-S để tham gia các sự kiện mà không cần giấy tờ khác.
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá Nền tảng số kết nối truyền thông là cách làm hay, sáng tạo |
Phương thức truyền thông hiệu quả
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, Nền tảng số kết nối truyền thông được xem là phương thức truyền thông hiệu quả, giải quyết được mối quan hệ 2 chiều giữa CQBC và CQNN, đồng thời là phương thức kết nối truyền thông của CQNN, là nền tảng cung cấp thông tin nguồn cho các nền tảng số và là công cụ đánh giá kết quả truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Một điểm cộng nữa của mô hình kết nối mạng lưới báo chí qua nền tảng Hue-S là việc hỗ trợ địa phương, Sở TT&TT theo dõi, giám sát và đo lường kết quả quá trình tương tác giữa CQNN với báo chí dựa trên dữ liệu số. Các số liệu từ nền tảng sẽ được phân tích, cho thấy mức độ hiệu quả của CQBC, CQNN và nhiều tiêu chí khác để UBND tỉnh có cơ sở hoạch định các chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh.
“CQBC cũng dần quen với việc gửi câu hỏi qua mạng lưới phát ngôn. Nhưng đặc biệt nhất là giảm thiểu các hoạt động về mặt kinh phí, chậm trễ của việc tiếp cận thông tin của CQBC, tính chủ động của CQNN. Đến thời điểm này, mô hình Mạng lưới phát ngôn khá hiệu quả trong hoạt động này”, ông Sơn nói.
“Tuy nhiên, mô hình kết nối vẫn còn một số bất cập”, ông Sơn nhìn nhận. Như về phía CQNN, có đơn vị còn tình trạng chưa nắm chắc vấn đề nên trả lời chậm; nội dung chưa bám sát trọng tâm câu hỏi để trả lời; thông tin chưa quan trọng với báo chí cũng đưa lên làm “loãng” nội dung. Tương tự, một số câu hỏi các CQBC gửi đến còn chung chung, chưa rõ ràng. Thi thoảng vẫn còn sự cố về công nghệ khi tương tác giữa CQBC với CQNN… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ nền tảng và tiếp tục đồng bộ các giải pháp.
Tại buổi làm việc của tỉnh với Bộ TT&TT về hoạt động truyền thông số trước đó, Nền tảng số kết nối truyền thông đã được Bộ TT&TT đánh giá là cách làm hay, sáng tạo và mô hình đã được giới thiệu đến các địa phương học hỏi, nhân rộng. Sau hơn 2 tháng triển khai đã có 75 CQBC tham gia với 143 tài khoản phóng viên được làm sạch, xác thực qua VNeID. CQBC đã gửi 116 câu hỏi trực tuyến cho 36 CQNN, tỷ lệ trả lời trước hạn, đúng hạn trên 80%. Đến nay, CQNN đã gửi 106 thông cáo báo chí, dữ liệu truyền thông đã được 64 CQBC sử dụng và đăng 1.237 bản tin.