Luật đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước; trong đó có những quy định mang tính đổi mới, đột phá dựa trên tổng kết, đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội, từ đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN 

Việc sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó (1/1/2025) là phù hợp với chủ trương của Đảng, giúp sớm khắc phục tồn tại hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án nhà ở...

Luật Đất đai 2024 đã trải qua 9 lần sửa đổi, bổ sung gồm 16 chương, 260 điều (tăng 2 chương so với Luật Đất đai 2013; bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất; tách riêng chương về thu hồi đất, trưng dụng đất và chương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất).

So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.

Đồng thời, Luật Đất đai 2024 thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai; góp phần thúc đầy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch...tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đáng chú ý, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất.

Đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, UBND cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất.

Luật Đất đai 2024 còn bổ sung quy định tiền thuê đất hàng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn.

Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ mô hình Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ tạo hiệu quả về sử dụng nguồn lực đất đai trong công tác quản lý, điều hành, tổng hợp cũng như khai thác hợp lý, bền vững cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản dưới Luật Đất đai 2024 thuộc thẩm quyền được giao. Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương, phần lớn đã được các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết khi triển khai các bước đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống, đảm bảo tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Theo baotintuc.vn