Nhiều loại thuốc được bán công khai, tràn lan trên mạng xã hội |
Nhận được cuộc điện thoại của ông chú ruột ở quê, với nội dung: “Cháu làm ở Huế lâu rồi có biết ông bác sĩ nào giỏi chuyên về xương khớp không, chỉ giúp chú vào khám chứ bữa giờ cái khớp gối nó đau, không đi lại được, mua thuốc uống mà không ăn thua gì hết”.
Hỏi thăm về bệnh tình thì chú nói: “Bữa giờ tự nhiên cái khớp gối nó đau, nhức, đi lại không được, mấy đứa con thì đi làm xa, thím thì đi làm cả ngày không rảnh. Nghe mấy người "mắc miệng" là lên mạng xã hội facebook có người bán thuốc chữa đau khớp hay lắm. Vào xem, thấy dòng quảng cáo đây là thuốc xách tay nước ngoài, rất hiếm, uống một hộp 30 viên này xong là khỏi ngay, thấy có nhiều lượt bình luận tích cực. Chú liền đặt mua ngay một hộp với giá hơn 900 ngàn đồng, sử dụng trong vòng 30 ngày".
Nghĩ bữa nay công nghệ phát triển, tiện lợi nhiều đường, không cần đi mua vẫn có người mang thuốc đến tận nhà. Thế nhưng, hơn một tháng sử dụng, bệnh tình của chú không hề giảm, cơn đau liên tiếp kéo đến. Chú mang thuốc mua trên mạng đến các hiệu thuốc hỏi thì người ta nói, liều lượng của loại thuốc này chủ yếu là giảm đau. Không có tác dụng điều trị loại bệnh này.
Nghe chú kể, đến đây tôi đã phần nào hiểu được câu chuyện.
Tôi trực tiếp liên hệ thử trang facebook có tên “Andy Pham”. Chủ nhân của những lời rao bán thuốc hỗ trợ giảm đau khớp, viêm khớp hiệu quả. Nhận được những lời tư vấn “hoa mỹ” nhiệt tình, kèm theo những đoạn tin nhắn đã giao dịch với các khách hàng trước và đương nhiên không có gì là lạ với những lời tâng bốc của những khách đã sử dụng thuốc từ trang facebook này.
Thế mới thấy, tình trạng bán thuốc trên môi trường mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy đến chừng nào. Điểm chung là các quầy thuốc online này đều dùng những lời "có cánh" để "câu" khách hàng, khiến nhiều người tin tưởng vào các loại thuốc đó. Các sản phẩm này được chuyển đến tay người tiêu dùng mà không thông qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Đã nói mạng là “ảo” nên rất khó biết chính xác là những quầy thuốc này đóng ở đâu, ai là chủ thật sự và việc bán thuốc đó có được cấp phép hay không? Hay chỉ là chiêu trò nhằm trục lợi cho cá nhân.
Thời đại công nghệ phát triển, không thể phủ nhận sự tiện lợi của các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, lợi dụng danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân có uy tín để bán hàng, người dân cần hết sức thận trọng khi mua thuốc trên mạng.
Một khi ốm đau, thì nên đến trực tiếp các cơ sở y tế để khám chữa bệnh và sử dụng thuốc, mua thuốc ở những quầy thuốc có chứng nhận GPP (thực hành tốt quản lý nhà nước) để đảm bảo an toàn theo đơn chỉ định của bác sĩ, không nên tin vào những lời truyền miệng, quảng cáo không có căn cứ. Đừng vì mạng xã hội cái gì cũng có, cũng khỏe, cũng tiện mà đổi lại những hậu quả không đáng có.