Bệnh nhân đến uống Methadone tại Phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất trên đường Nguyễn Văn Linh, TP. Huế |
Sức khỏe tiến triển, làm lại cuộc đời
Như thường lệ, cổng riêng Phòng khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất (PKCK&ĐTNC), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh trên đường Nguyễn Văn Linh mở từ sớm. Đây là lối đi dành cho các bệnh nhân (BN) điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Hòa trong dòng người, anh L.V.Q. ở TP. Huế tranh thủ uống thuốc để còn đến chỗ làm việc. Duy trì suốt 5 năm qua, liều điều trị của anh Q. còn 7mg/0.7ml, sắp đủ điều kiện để ra khỏi chương trình. Tuy nhiên, anh vẫn có nguyện vọng tiếp tục uống Methadone hàng ngày. “Biết rõ hậu quả của việc nghiện ma túy, song môi trường xung quanh còn nhiều cám dỗ, mình chưa tự tin lắm vào bản thân. Với lại thấy việc điều trị giúp giảm sự lệ thuộc vào heroin, giảm thèm nhớ thuốc... nên mình muốn duy trì việc điều trị cho đến khi ổn định sức khỏe”, anh Q. nói.
Chương trình điều trị Methadone cho người nghiện ma túy được ngành y tế giao CDC tỉnh triển khai trên địa bàn từ tháng 11/2014, với điểm uống tại PKCK&ĐTNC ở địa chỉ hiện tại: 21 Nguyễn Văn Linh, TP. Huế. Việc uống thuốc phải duy trì đều đặn, không được gián đoạn, thế nên dù mưa bão hay lụt lội, cán bộ làm nhiệm vụ cấp thuốc uống luôn đảm bảo trực 4 người. Có người điều trị từ năm 2014 đến nay, có người sau một năm điều trị chuyển biến tốt, không còn sử dụng ma túy nên được giảm liều dần, tiến tới điều trị thành công, đủ điều kiện ra khỏi chương trình.
Một thanh niên 27 tuổi là phụ xe đường dài, sa vào con đường nghiện ngập. Sau khi được gia đình khuyên can, người yêu động viên, anh này tham gia uống Methadone. Nhờ tuân thủ điều trị tốt, cộng thêm động lực quyết tâm cai nghiện, xây dựng gia đình; đến nay anh đã hoàn tất điều trị và trở thành một công nhân có thu nhập ổn định. Tương tự, P.H. con thứ 4 trong một gia đình lao động nghèo sa ngã theo bạn bè nghiện hút. Năm 2019, H. bắt đầu điều trị và uống thuốc đều đặn tại phòng khám. Sức khỏe cải thiện, nhận thức được nâng lên, H. kiếm việc làm ở chợ và thay đổi hoàn toàn.
Đó là một trong số những biến chuyển tích cực cho thấy điều trị nghiện chất bằng Methadone giúp người nghiện điều trị thành công, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội. Kết quả đánh giá cho thấy, việc kiên trì phối hợp điều trị giúp BN hồi phục sức khỏe; không còn bị các cơn nghiện hành hạ; được gia đình, bạn bè đón nhận; cộng đồng giảm kỳ thị, phân biệt đối xử. Quá trình điều trị Methadone tác động tích cực tới công tác phòng, chống HIV. Bằng chứng là 5 năm trở lại đây, không phát hiện người nhiễm HIV mới qua đường tiêm chích ma túy.
Tạo điều kiện tối đa trong điều trị
Tại cơ sở điều trị, cán bộ chuyên môn tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân cho người bệnh kết hợp tư vấn cho gia đình trong phối hợp điều trị, chăm sóc người bệnh tại gia đình. Bên cạnh đó, CDC tỉnh cũng duy trì hoạt động tập huấn, đào tạo cho cán bộ điều trị cũng như cơ sở điều trị cấp phát thuốc; kiện toàn, đảm bảo nhân lực tại cơ sở điều trị; đảm bảo hiệu quả trong tiếp nhận, tư vấn, xét nghiệm, khởi liều, dò liều, duy trì liều, giảm liều. Cơ sở điều trị Methadone quản lý, sử dụng thuốc an toàn, điều trị liên tục cho BN. Tuy nhiên, việc điều trị cho lớp BN này đối mặt với không ít khó khăn, bởi phần lớn họ là người khó khăn về kinh tế, lao động tự do, dễ bị cám dỗ rơi vào phạm pháp… Chỉ cần có một sự thay đổi hoặc xáo động, BN dễ bỏ liều uống Methadone. 6 tháng đầu năm, đã có khoảng 30 BN bỏ điều trị vì nhiều lý do khác nhau.
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 259 bệnh nhân đang dùng Methadone điều trị. TP. Huế có 241 BN, chiếm hơn 93,05% số BN toàn tỉnh. BSCKI. Bùi Khắc Nghi, cán bộ PKCK&ĐTNC thông tin: “Chúng tôi tiến hành tư vấn ngay khi bắt đầu nhận hồ sơ xin vào điều trị và tiến hành cho làm các xét nghiệm cần thiết, rút ngắn thời gian nhận bệnh vào điều trị 2 đến 3 ngày. Việc tạo điều kiện cho BN được quan tâm tối đa, miễn là BN thoải mái và hợp tác tốt”.
Theo lãnh đạo PKCK&ĐTNC, hàng quý, người nhà bệnh nhân được mời đến giao ban để nắm bắt ý kiến nhằm phối hợp nhịp nhàng, giúp BN tuân thủ điều trị tốt hơn. Đơn vị cũng chú trọng địa bàn trọng điểm về ma túy. Phối hợp với công an xã, phường nhằm truyền thông nói chuyện kết hợp xét nghiệm nước tiểu, lấy máu xét nghiệm sàng lọc HIV cho đối tượng sử dụng và nghi sử dụng ma túy. Ngoài ra, CDC tỉnh còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nói chuyện với học sinh, sinh viên các trường THPT và ĐH trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy cùng các bệnh xã hội liên quan.
Mới đây, tại một hội nghị của ngành, lãnh đạo Sở Y tế thông tin về việc xúc tiến triển khai cấp phát thuốc Methadone tại các trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng chuyên môn sẽ thẩm định các tiêu chí về điều kiện về trang thiết bị, nhân lực, quản lý hồ sơ bệnh án, công tác cấp cứu, thiết bị giám sát an ninh, nơi lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu… tiến hành các quy trình công bố theo quy định. Việc thành lập cơ sở cấp phát thuốc tại TTYT huyện, thị xã, thành phố sẽ giúp các BN ở xa có thêm cơ hội tiếp cận Methadone. Đây cũng nỗ lực trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tạo điều kiện cho các BN thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội.