Nắng nóng gây ảnh hưởng đến nhiều vận động viên và người hâm mộ tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty Image |
Phân tích của World Weather Attribution (WWA), một tổ chức hợp tác quốc tế của các viện khoa học, phát hiện ra rằng sự nóng lên toàn cầu đã khiến nhiệt độ tăng tới 3,3 độ C trong đợt nắng nóng vừa qua.
Biến đổi khí hậu chủ yếu là do khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng. Khi những khí thải này tích tụ trong khí quyển, chúng khiến hành tinh nóng lên.
“Là điều không thể xảy ra trước đây, nhưng giờ đây, những đợt nắng nóng này hiện tương đối phổ biến bởi sự nóng lên do con người gây ra và dự kiến sẽ xảy ra khoảng một lần mỗi thập kỷ. Với sự nóng lên hơn nữa, chúng sẽ trở nên thường xuyên hơn nữa”, tuyên bố của WWA nêu rõ.
Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Morocco đều đã trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt trong tháng 7 với những cơn gió nóng như lò nung thổi vào từ sa mạc Sahara. Được biết, ít nhất 23 người đã chết do bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng này, và con số tử vong thực tế có thể còn cao hơn.
WWA cho biết nguyên nhân là do một dải áp suất cao lớn, thường được gọi là "vòm nhiệt". Vòm nhiệt đã bao phủ Paris, nơi nhiệt độ lên tới 37 độ C vào ngày 30/7, khiến người hâm mộ đến xem Thế vận hội phải tìm nơi nghỉ ngơi dưới các máy phun sương.
Để giúp các vận động viên đối phó với nắng nóng, các cầu thủ quần vợt và bóng đá được phép nghỉ giải lao uống nước, trong khi các vận động viên đua xe đạp BMX có thể ngồi dưới bóng râm giữa các lần đua.
“Hôm qua, biến đổi khí hậu đã phá hỏng Thế vận hội”, Tiến sĩ Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London và là một trong những nhà sáng lập WWA cho biết. “Thế giới đã chứng kiến các vận động viên phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Nếu bầu khí quyển không bị quá tải bởi khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, Paris sẽ mát hơn khoảng 3 độ C và an toàn hơn nhiều cho các môn thể thao”, ông Otto nói thêm.
“Tuy nhiên, nhiều người trên khắp Địa Trung Hải không có điều kiện để chườm đá, điều hòa không khí hoặc nghỉ mát tại nơi làm việc. Đối với những người này, nhiệt độ cực cao có thể đồng nghĩa với tử vong”, Tiến sĩ Otto cảnh báo.
Các quốc gia Địa Trung Hải đã phải chịu đựng cái nóng nguy hiểm, vượt quá 40 độ C vào tháng 7 vừa qua, khi nhiệt độ lên đến 44 độ C ở Tây Ban Nha và 43 độ C ở Hy Lạp.
WWA cho biết biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn, kéo dài hơn và thường xuyên hơn trên toàn thế giới, và nhiệt độ tăng là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận là năm 2023 và các nhà khoa học cho biết năm 2024 sẽ còn nóng hơn nữa.
Theo phân tích của NASA về dữ liệu nhiệt độ toàn cầu hằng ngày, từ ngày 21/7 - 23/7 là những ngày nóng nhất từng được ghi nhận.
Nhiệt độ cao được xem là “kẻ giết người thầm lặng” và là một trong những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc ước tính rằng số ca tử vong do nhiệt độ cao ở châu Âu đã tăng khoảng 30% trong 2 thập kỷ qua.
Trước đó, một nghiên cứu khác ước tính rằng hơn 60.000 người ở châu Âu đã tử vong do nhiệt độ cực cao trong mùa hè năm 2022.
Tiến sĩ Mariam Zachariah, một nhà nghiên cứu tại Viện Grantham cho biết “châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi so với các châu lục khác và thậm chí còn nhanh hơn dự đoán của các mô hình khí hậu”.
Theo WWA, những phân tích như thế này giúp mọi người hiểu rằng biến đổi khí hậu không phải là mối đe dọa xa vời mà là mối đe dọa trực tiếp đang khiến cuộc sống trên trái đất trở nên nguy hiểm hơn.
Được biết, WWA đã hoàn thành hơn 70 nghiên cứu về một loạt các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới, từ đó phân tích và truyền đạt ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu đối với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như bão, lượng mưa cực lớn, nắng nóng và hạn hán…