Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất xe ô tô ở Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong đó, hoạt động kinh doanh và số lượng đơn đặt hàng mới trong đầu quý III/2024 tiếp tục chuỗi tăng. Bên cạnh đó, việc làm cũng tăng nhẹ trong tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, những người trả lời khảo sát vẫn phải đối mặt với giá đầu vào tăng, với tốc độ tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 2/2024.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất ASEAN của S&P Global ghi nhận ở mức 51,6 điểm vào tháng 7. Con số này hầu như không thay đổi so với tháng 6 năm nay (ở mức 51,7 điểm). Các điều kiện sản xuất đã cải thiện nhẹ lần thứ 7 trong nhiều tháng.

Cũng trong tháng vừa qua, sản lượng đã tăng nhẹ khi lĩnh vực sản xuất ASEAN tiếp tục chuỗi mở rộng đã bắt đầu từ tháng 10/2021. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh, với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm, kéo dài thời kỳ giảm hiện nay thành 26 tháng.

Các nhà sản xuất ASEAN đã báo hiệu số lượng nhân công tăng trong tháng thứ hai liên tiếp, với tốc độ tạo việc làm không đổi so với tháng 6 năm nay. Tháng đầu của quý III cũng đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp ghi nhận áp lực lên công suất sản xuất.

Giá đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2024. Gánh nặng chi phí cao hơn đã dẫn đến chi phí bán hàng tăng, tốc độ lạm phát cũng rõ rệt nhất kể từ tháng 2 năm nay. Đây là tháng thứ tư liên tiếp giá bán hàng tăng với tốc độ nhanh hơn.

Bên cạnh đó, tâm lý tích cực đã một lần nữa được ghi nhận tại các nhà sản xuất ASEAN. Vào đầu quý III, kỳ vọng cho 12 tháng tiếp theo đạt mức cao nhất trong 4 tháng.

Nhận định về dữ liệu chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất ASEAN, bà Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại Công ty tư vấn S&P Global Market Intelligence cho biết: “Tăng trưởng được chứng kiến trên toàn bộ lĩnh vực sản xuất ASEAN trong nửa đầu năm đã được duy trì khi chúng ta bước vào nửa cuối năm 2024. Các điều kiện về nhu cầu khách hàng tiếp tục được củng cố, với mức tăng trưởng trong các đơn đặt hàng mới tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng, điều này cho phép các doanh nghiệp tăng sản lượng một cách vững chắc trong tháng 7. Hơn nữa, sự cải thiện liên tục của lĩnh vực này đã thúc đẩy các nhà sản xuất hàng hóa tuyển thêm nhân viên trong tháng thứ 2 liên tiếp, mặc dù tốc độ tạo việc làm vẫn ở mức khiêm tốn”.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khảo sát mới nhất, áp lực lạm phát cũng một lần nữa gia tăng. Áp lực giá cả gia tăng có thể đóng vai trò là cơn gió ngược đối với tăng trưởng trong những tháng tới, và cho thấy các ngân hàng trung ương trên khắp khu vực có thể duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với lãi suất chính sách, bà Maryam Baluch lưu ý.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ S&P Global)