Đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước, giảm ngập cho đô thị Huế |
Vẫn còn ngập
Thời gian qua, việc nâng cao độ các tuyến đường nằm trong khu vực KĐT An Vân Dương (TP. Huế), trong khi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh, liên hoàn đã gây ngập úng cục bộ một số vị trí. Việc người dân phản ánh là có cơ sở từ thực tế trải qua các mùa mưa lũ năm 2022 - 2023.
Cụ thể, hiện nay đường Võ Nguyên Giáp với mặt cắt 100m được nâng cao độ mặt đường lên khoảng 0,5m. Người dân cho rằng, vào mùa mưa lũ, tuyến đường sẽ trở thành đập chắn nước gây nên tình trạng ngập sâu đối với khu dân cư ở phía tây tuyến đường. Tương tự, trước đó việc nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu cũng gây lo ngại ngập lụt cho các khu dân cư bên cạnh.
Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh, đối với KĐT An Vân Dương, qua theo dõi hàng năm khi lũ lớn sẽ gây ngập hầu như toàn bộ hệ thống đường giao thông trong khu vực. Các trục đường đã hình thành hầu như bị ngập nước hoàn toàn, giao thông ngưng trệ, đi lại rất khó khăn.
Trong khi đó, khu vực này đã hình thành khu trung tâm hành chính của tỉnh, nhiều trụ sở cơ quan quan trọng. Trong khoảng thời gian này, các sở, ngành đã đi khảo sát thực địa, mực nước ngập tại một số khu vực, nhận thấy các trục đường đã hình thành thuộc KĐT An Vân Dương có cao độ đường đỏ trung bình từ 2,1m đến 2,3m, bị ngập từ 0,3m đến 0,7m khi mức nước lũ sông Hương tại Kim Long vượt mức báo động III (3,5m).
Nâng cao độ các tuyến giao thông ứng phó ngập lụt, phù hợp quy hoạch |
Các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp do Ban QLDA Đô thị loại II làm chủ đầu tư đã thực hiện nâng cấp, chỉnh trang với cao độ trung bình là +2,64m theo quyết định điều chỉnh quy hoạch của UBND tỉnh. Việc nâng cao độ mặt đường và hệ thống thoát nước 2 tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp chưa hoàn thiện theo quy hoạch có ảnh hưởng đến việc thoát nước mặt, mỗi khi trời mưa lớn tại một số vị trí cục bộ.
Nguyên nhân, đối với KĐT An Vân Dương chỉ mới đầu tư hạ tầng kỹ thuật nội bộ thuộc phạm vi của từng DA. Hệ thống thoát nước chính (hạ tầng khung) của khu vực bên ngoài hàng rào, ngoài phạm vi các DA chưa đầu tư hoặc đầu tư chưa đồng bộ. Hệ thống thoát nước chính của khu vực có vai trò chủ đạo trong việc tiếp nhận, chuyển tải lưu lượng nước mưa từ các DA để đổ ra các hồ, sông.
Tranh thủ mọi nguồn lực
Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh, DA chỉnh trang, nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp có quy mô đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước theo quy hoạch và nội dung DA được duyệt đã đảm bảo thoát nước trong khu vực, không gây ngập úng cục bộ.
Ngoài ra, việc nâng cao độ các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp và các tuyến đường trong khu hành chính tập trung để hình thành các trục đường chính có khả năng cơ động bằng cơ giới nhằm triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn các khu dân cư trong vùng khi xảy ra lũ lụt.
Ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh thông tin, việc đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước khi triển khai DA nâng cao độ đường Võ Nguyên Giáp đảm bảo thoát nước gồm 3 hướng thoát chính. Theo đó, hướng thoát nước đoạn từ ngã tư đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Quốc Việt đến KĐT An Cựu đã được đầu tư hoàn thành hệ thống thoát nước D 1.000mm ra sông Lợi Nông thuộc DA cầu bắc qua sông Lợi Nông.
Hướng thoát nước đối với khu vực phía tây trục đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Tố Hữu thuộc DA nâng cao độ tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã thi công xong 3 tuyến cống D 1.000mm và bổ sung 1 cống hộp 4 x 4m băng đường (đối diện KĐT An Cựu).
Đối với đoạn tuyến từ đường Tố Hữu đến cuối tuyến thoát ra sông Như Ý, DA đã thi công xong tuyến cống thoát nước D 2.000mm đến phạm vi đường Nguyễn Lộ Trạch, còn lại đoạn cuối tuyến phía hạ lưu từ nút giao với đường Nguyễn Lộ Trạch đổ ra sông Như Ý chưa thể thi công đấu nối hoàn chỉnh do còn vướng công tác giải phóng mặt bằng, nên đã gây ngập úng cục bộ phía tây tuyến đường mỗi khi có mưa to, lũ lớn. Do vậy, khi đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước cuối tuyến này sẽ cơ bản đảm bảo thoát nước trong khu vực, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Để hạn chế tình trạng ngập lụt cho các khu dân cư, tỉnh đang tranh thủ mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa chính trong các KĐT theo quy hoạch đã được phê duyệt; tổ chức giải phóng mặt bằng phạm vi ranh giới các hồ, kênh, mương đã có trong quy hoạch xây dựng được duyệt. Trường hợp hạn chế về nguồn lực, nguồn kinh phí thì lập kế hoạch tổ chức đầu tư theo từng giai đoạn...
Ngành chức năng tổ chức lập quy hoạch cao độ nền, thoát nước mặt và thoát nước thải đô thị sau khi đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế được phê duyệt, nhằm cụ thể hóa quy hoạch thoát nước trong quy hoạch chung đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (các giải pháp quy hoạch về cao độ nền, thoát nước mưa và TN&XLNT).