Sông nhỏ, hai bên bờ kè đá vương vít những thảm dây leo càng khiến con sông như dải lụa xanh vắt ngang giữa lòng thành phố. Hai bên, chỗ nào bờ thoải đất đủ rộng, cư dân sinh sống gần đó sẽ tận dụng để phát quang, gieo hạt, thâm canh thêm vạt rau, giàn mướp, giàn bầu. Rau trái hút nước và hơi ẩm từ sông lên nên đang hè vẫn sung sức, mướt xanh, hoa trổ vàng và trái treo mình lủng lẳng.
Cây sung già chia làm hai cành lớn, một vươn lên bờ, cành còn lại choãi ra phủ bóng lên mặt nước chỗ đậm, chỗ nhạt, hễ có sóng những đám ánh sáng loang loáng, xanh thẫm kéo hẳn ra thành những vệt dài. Dưới lòng sông, hai chiếc cano màu trắng được neo vào gốc sung nằm im lìm qua năm tháng. Thỉnh thoảng, gió đến tôi nghe tiếng sung lộp độp, rơi rơi.
Ở quê tôi, chẳng mấy ai trồng sung vào chậu để tỉa cành, chờ trái làm cảnh bao giờ. Sung mọc nhiều nhất dọc các bến sông, làm nơi neo đậu thuyền bè, làm chỗ leo trèo cho tụi trẻ con chiều chiều đưa trâu xuống bến. Những gốc sung già còn làm nơi chỉ dấu cho bà con nông dân theo dõi mực nước trong mỗi mùa lũ lụt trùng trùng.
Nếu như những cây duối, cây đa, gốc xoan cổ thụ thường được thêu dệt những câu chuyện liêu trai nhằm đánh động, cảnh cáo bọn trẻ con dạt xa thì sung lại là một loài cây hiền lành, thân thiện. Những trưa hè tuổi thơ, bà vẫn thường sai tôi và tụi con nít trong xóm đi kiếm về cho bà thật nhiều sung chín. Chúng tôi đắm đuối hương vị thanh mát của món thạch sung tự tay bà làm. Chẳng cầu kỳ, phức tạp, từ rổ sung đỏ rực mà chúng tôi mang về, bà lựa ra những quả chín hườm, cuống còn cứng tươi, rõ mủ, đem rửa sạch, gọt vỏ, cắt làm đôi. Sung chín có mùi thơm dìu dịu, vị ngọt hậu nên rất thu hút những con bọ nhỏ xíu. Nếu quả nào ruột chứa nhiều bọ, bà cũng lập tức bỏ đi.
Sung sau khi rửa sạch sẽ được bà bóp nát rồi lọc qua cùng nước với một chiếc khăn sạch. Hỗn hợp này để sau vài giờ sẽ sệt lại, núng nính thành những miếng thạch có vị hơi chua, tỏa hương dìu dịu, bà chan thêm nước đường rồi phát cho mỗi đứa mỗi chén nhỏ. Chúng tôi cứ thế mà thi nhau húp soàn soạt, mê đắm vị thạch thơm.
Cây sung gần chỗ tôi ngồi bây giờ cũng đang rộ mùa quả chín. Khác với mùi nồng nàn, rực ngọt như khi đi giữa vườn cây đầy trái chín mùa hè, mùi chua nhẹ của quả sung phảng phất trong không gian một làn hương mỏng, vừa xa vừa gần, rưng rức một miền thương. Nơi này, vì chẳng ai đi lượm sung chín về làm thạch nên trên nền đất bời bời quả rụng. Liệu có ai trong góc chợ ồn ào phía bên kia chân cầu ngửi thấy thứ mùi thơm thanh thuần, dịu nhẹ, gọi tâm hồn về nương náu chốn bình yên?
Riêng tôi, những chuyến rong chơi mùa hè đến những công viên, bờ nước, con kênh trong lòng thành phố càng khiến tôi yêu Huế nhiều hơn. Huế luôn xanh và đẹp. Một vẻ đẹp ý nhị, mộc mạc, trong làng có phố, trong phố có làng. Huế mộc qua những quanh co đồi dốc. Huế mộc vì những tường rêu, hẻm nhỏ. Huế mộc trong sự hòa điệu của bờ đất, con nước, của cây cối vào mùa hoa, mùa xanh.
Còn gì phù hợp hơn một gốc sung già nghiêng mình bên bờ nước giữa chiều hè oi ả, xanh biêng. Từ gốc sung ấy, mùi quả chín tỏa ra mời dụ, thơm thơm. Tôi đang ở đây mà miên man như không ở đây. Bên bờ sông rộng, mặt nước êm ru chốn quê nhà, tôi là đứa trẻ lang thang đi tìm nhặt sung chín.