Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã vượt qua sản lượng từ nhiên liệu hóa thạch tại 13 trong số 27 quốc gia thành viên EU. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Báo cáo cho biết hai nguồn năng lượng tái tạo này chiếm 30% điện năng của EU, trong khi nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh chiếm 27% - giảm 17% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù nhu cầu năng lượng tăng 0,7% sau hai năm có xu hướng giảm, nhu cầu này “đã được đáp ứng” nhờ năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Tổng cộng, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã vượt qua sản lượng từ nhiên liệu hóa thạch tại 13 trong số 27 quốc gia thành viên EU, trong đó Đức, Bỉ, Hungary và Hà Lan lần đầu tiên đạt được cột mốc này. Tất cả các nguồn năng lượng carbon thấp kết hợp lại, bao gồm cả thủy điện và năng lượng hạt nhân, đã tăng vọt trong năm nay và chiếm 73% tổng sản lượng điện của khối. Ngược lại, tất cả các nguồn năng lượng làm nóng hành tinh đều giảm, riêng sản lượng điện than đã giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, lượng khí thải của EU từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 31% so với nửa đầu năm 2022. Đây được gọi là “sự suy giảm chưa từng có trong một thời gian ngắn như vậy”, Ember cho biết.
Hồi tháng 1, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tuyên bố lượng khí thải carbon dioxide (CO2) tại EU đã giảm 8% vào năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong 60 năm và là mức giảm theo năm lớn thứ hai sau năm 2020 - giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh phong tỏa và hạn chế vì COVID-19. CREA phát hiện ra rằng hơn 50% mức giảm là do sự mở rộng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, cũng như sự phục hồi của thủy điện và điện hạt nhân, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài do xung đột ở Ukraine buộc EU phải giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia giàu dầu mỏ như Nga.
Ông Chris Rosslowe, chuyên gia phân tích dữ liệu năng lượng và khí hậu cấp cao tại Ember khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính lịch sử và nó đang diễn ra nhanh chóng… Nếu các quốc gia thành viên có thể duy trì đà phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời thì việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch thực sự sẽ bắt đầu xuất hiện”.
Được biết, việc đốt than, khí đốt tự nhiên và dầu để sản xuất điện là nguồn phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu lớn nhất, là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu thông qua việc giữ nhiệt trong khí quyển và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất. Trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua khi các quốc gia trên thế giới hướng tới mục tiêu cải thiện mức sống và sản lượng kinh tế quốc gia, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng việc hạn chế khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là cách duy nhất để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu và đảm bảo một tương lai đáng sống cho toàn thể người dân trên thế giới.
(Lược dịch từ The Guardian)