Khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Từ Tỉnh lộ 2263, trước khi vào Khu di tích, xe chúng tôi rẽ trái men theo ngôi chùa làng Thăn ma Siribanđit ở phía bắc để vào. Tuyến đường này dài 160m, rộng 4m mang tên Thầu Chín 2 và ở phía nam khu di tích là tuyến đường dài 850m và rộng đến 6m mang tên Thầu Chín 1. Cả 2 tuyến đường nhựa được đưa vào sử dụng từ năm 2017. Khu di tích Hồ Chí Minh tiến hành theo đề án được phê duyệt của Tỉnh trưởng Udon Thani sau khi bà con Việt kiều ở Thái Lan mua gần 1ha đất và góp tiền để xây dựng.
Trên nền nhà cũ của Trại Cưa thuở nào, ban đầu ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc đã được phục dựng. Đó là ngôi nhà lá ba gian. Gian giữa là nơi dành để hội họp, học tập. Gian bên phải là một sạp gỗ làm dành cho anh em đồng chí nghỉ ngơi. Gian bên trái có một bộ bàn ghế gỗ và chiếc giường ngủ kê ở trong góc là nơi làm việc và ngủ của Bác. Sau khi ngôi nhà chính hoàn thành, các hạng mục khác như vườn cây, giếng nước, nhà kho, nhà bếp, khu sản xuất, chăn nuôi được tái hiện giống như lời kể của nhân chứng đã từng chứng kiến thời gian Thầu Chín - Bác Hồ hoạt động tại đây. Đặc biệt, phía sau khu di tích là những bờ tre gợi nhớ hình bóng thường thấy ở những làng quê Việt.
Do ngôi nhà chính được phục dựng bằng gỗ, tre, nứa bị xuống cấp nên năm 2007 đã được trùng tu và tồn tại đến hôm nay. Bên cạnh khu di tích, đầu năm 2009, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng. Đó là khu nhà đa năng hai tầng được đưa vào hoạt động năm 2011. Toàn bộ kinh phí xây dựng và cả các công trình phụ trợ đều do Việt kiều Thái Lan và các doanh nghiệp ở Việt Nam đóng góp. Ngay ở gian chính của tầng một là nơi đặt bàn thờ Bác Hồ. Phía sau là hội trường và phòng tiếp khách. Tầng hai của khu nhà là nơi trưng bày tư liệu (sách, báo, ảnh, phim…) giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc sống, sinh hoạt của bà con Việt kiều tại Thái Lan.
Dừng lại bên những bức ảnh Bác Hồ đón Việt kiều Thái Lan hồi hương năm 1960, ông Văn Viết Thanh, cán bộ của Khu di tích này bùi ngùi:
- Lẽ ra, sau năm 1960, đại gia đình chúng tôi được hồi hương về miền Bắc Việt Nam. Nhưng trong số gần 70.000 kiều bào ở Thái Lan đăng ký chỉ có hơn một nửa là được toại nguyện, số còn lại bị lỡ hẹn, trong đó có cha tôi. Ông tham gia hoạt động cho Hội Việt kiều nên tự nguyện về chuyến sau, nào ngờ năm 1964 xảy ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc nên chúng tôi buộc phải ở lại
Theo giới thiệu, trong thời gian ở Thái Lan, khi đến Udon, Bác Hồ đã từng ở khu vực Nỏng Bùa rồi sau đó mới chuyển vào Nỏng Ổn (nay mang tên Nỏng Hang) và dùng nhiều bí danh: Ông Thọ, Nam Sơn và cuối cùng là Thầu Chín (có nghĩa là ông già Chín). Trong hơn nửa năm ở đây, Thầu Chín - Bác Hồ chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng, chủ trương phải làm cho người Xiêm (Thái Lan) có cảm tình hơn nữa với người Việt Nam và Cách mạng Việt Nam. Người vận động bà con Việt kiều bỏ dần những hủ tục và tiếp tục giữ gìn phong tục tốt đẹp của người Việt; luôn tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Vương quốc Xiêm. Nhờ tự học tiếng Xiêm nên Người đã giúp bà con Việt kiều xin phép mở các lớp học tiếng Việt, tiếng Xiêm; thành lập Hội Ái Hữu và ra báo “Thân Ái”. Thông qua tờ báo này Người đã soạn nhiều vở kịch ngắn ngợi ca truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Mặc dù xa quê nhà đã lâu, nhưng nhờ học tiếng Việt và giữ gìn phong tục Việt Nam nên Việt kiều ở Thái Lan phần lớn nói được tiếng Việt, các dịp lễ, tết thường tổ chức văn nghệ, cùng nhau nấu bánh chưng, bánh tét… và Udon Thani trở thành nơi có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất ở Thái Lan. Tuy thời gian sống và hoạt động trên đất Thái Lan ngắn ngủi (7/1928 - 11/1929), nhưng hình ảnh của Thầu Chín - Bác Hồ đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với Nhân dân Thái Lan, nhất là đối với bà con Việt kiều.
Riêng ông Văn Viết Thanh, khi biết đoàn chúng tôi từ Huế sang đã hồ hởi nhận mình là đồng hương. Ông tự giới thiệu, quê mình ở Thanh Lam, Hương Thủy nhưng đến con ông là đời thứ tư sinh sống trên đất Thái Lan. Từ ông, cha đến con, cháu phải sống trong thân phận của "người Việt nhập cư", mãi đến sau năm 1990 nhờ quan hệ Việt Nam và Thái Lan được cải thiện thì bà con Việt kiều, trong đó có ông Văn Viết Thanh mới trở thành "Người Thái gốc Việt" và chính thức mang tên Thái Lan: Pom Atthaphon Ruangsirichoke!
Có đi và tìm hiểu mới càng trân quý thêm tấm lòng của bà con Việt kiều và Nhân dân Thái Lan dành cho Chủ tịch Hồ Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân.