Điều này không có gì mới nhưng chỉ khi thực sự sát cánh cùng người trong cuộc, chỉ khi được quan sát tất cả những diễn biến bên lề chứ không chỉ phần thi đấu chính thức, thì mới thấy được sự khác biệt này đáng kể như thế nào.
Đoàn thể thao Việt Nam diễu hành trên sông Seine trong Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Chúng tôi từng kể câu chuyện về xạ thủ Trịnh Thu Vinh khi tham dự nội dung chung kết súng ngắn thể thao nữ 25m, rằng trong lúc các đối thủ của Thu Vinh sở hữu bản lý lịch vô cùng ấn tượng với vô số danh hiệu và thứ hạng cao chót vót trên bảng xếp hạng thế giới thì thành tích tốt nhất của Thu Vinh trước khi bước vào loạt bắn này chỉ là sự hiện diện ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi trước đó.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với hầu hết VĐV của đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024, khi VĐV những môn cá nhân như Bơi, Điền kinh, Xe đạp, Rowing, Cầu lông, Judo… đều không có cơ hội tranh chấp huy chương.
VĐV nào may mắn hơn một chút thì vượt qua vòng sơ loại hoặc thắng được một trận, nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn nói lời chia tay ngay ở vòng đấu tiếp theo, mà đối thủ đã thắng VĐV của chúng ta thì cũng lại thua luôn ở vòng sau, nghĩa là chúng ta chưa thực sự chạm trán ứng viên vô địch thì đã phải rời cuộc chơi.
Chuyện này suy cho cùng cũng là bình thường, bởi Olympic là đấu trường mà "ra ngõ" là gặp những nhà vô địch thế giới hoặc vô địch châu lục, thế nên việc VĐV Việt Nam thường xuyên phải gặp thất bại không có gì là lạ.
Ngay cả đương kim vô địch cầu lông thế giới như Vitidsarn Kunlavut (Thái Lan) mà gặp phải Viktor Axelsen (Đan Mạch) trong trận chung kết Olympic Paris 2024 cũng thảm bại, không có sức chống đỡ và thua chóng vánh chỉ sau chưa đầy 30 phút, cho dù Axelsen bây giờ không còn ở đỉnh cao phong độ.
Chia sẻ với chúng tôi sau phần thi đấu tại vòng Tứ kết môn Rowing Olympic Paris 2024, VĐV Phạm Thị Huệ thẳng thắn chia sẻ: "Ngay sau khi chèo qua vạch xuất phát là tôi biết mình không thể thắng đối thủ rồi, nhưng tôi vẫn nỗ lực hết sức để không bỏ cuộc mà thôi".
Tâm trạng của Phạm Thị Huệ cũng là suy nghĩ của đa số VĐV Việt Nam trong những ngày tranh tài ở Olympic Paris 2024, chẳng hạn như trường hợp của Nguyễn Thị Thật - cuarơ số 1 Việt Nam tuy rất nổi đình nổi đám ở châu Á, nhưng tuyệt đối không có cơ hội nào ở cuộc đua đường trường vừa qua.
Nguyễn Thị Thật xuất phát khá tốt nhưng càng về cuối càng đuối sức và cuối cùng chỉ cán đích ở vị trí thứ 73. Thành tích này tuy khiêm tốn nhưng vẫn rất đáng khích lệ vì có tới 43 tay đua phải bỏ cuộc, không thể về đích trong cuộc đua này.
Tại Olympic Paris 2024, có thể thấy ở những môn thể thao cần nhiều thể lực và sức mạnh thì VĐV Việt Nam hầu như không có cơ hội cạnh tranh với VĐV châu Âu và châu Mỹ. Theo đó, có lẽ sẽ phù hợp hơn nếu Thể thao Việt Nam tập trung vào một số bộ môn phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, điển hình như môn Bắn súng với xạ thủ Trịnh Thu Vinh - người đã 2 lần giành quyền dự chung kết ở ngay kỳ Olympic đầu tiên mà cô được tham dự.
Thật ra việc lựa chọn môn thể thao nào để đầu tư cũng không phải là việc dễ dàng, bởi ngay cả những cường quốc thể thao thế giới như Mỹ cũng không phải là bách chiến bách thắng trong mọi lĩnh vực. Ở Olympic năm nay Mỹ đã mang tới Paris rất nhiều VĐV nhập tịch từ Trung Quốc ở cả Cầu lông và Bóng bàn, nhưng kết quả mà họ nhận được đều không như mong đợi. 3 VĐV giành huy chương cá nhân nữ của môn Cầu lông đều không có gương mặt nào từ đội tuyển Mỹ, còn môn Bóng bàn tuy chưa kết thúc, nhưng VĐV gốc Trung Quốc của Mỹ cũng không có nhiều hy vọng.
Nói thế để thấy việc đi tìm con đường phát triển cho Thể thao Việt Nam trong thời gian tới rõ ràng là không hề đơn giản.