Cây mận có từ lâu, rất lâu và ba giữ lại cây mận vì trái đẹp, vì yêu cái dáng cam chịu của nó chứ không phải vì những chùm trái lủng lẳng, và cũng vì ba muốn cho lũ trẻ hàng xóm niềm vui vào mùa trái chín. Khi đó, chúng sẽ được ba cho vào sân, hái mận. Ba dặn chỉ hái những trái chín và hái đủ ăn, vì cây mận là của chung. Lũ trẻ cũng chỉ hái vừa đủ chứ không hề phá phách. Chúng còn dùng chổi quét sân, gom lá và đốt lên như thể khu vườn là của chúng. Những trái mận bé tí xíu, nhưng khi chín rất ngọt ấy cũng là một phần nỗi nhớ của ba. Ngày mẹ và ba về chung nhà là mùa cây mận nở hoa. Ba nói cây mận nở hoa để đón chủ mới, mãi cho đến khi chúng tôi lớn lên thì cây mận đã vươn cao, vói vào cả ô cửa sổ trên lầu. Có khi, ba và mẹ để một chiếc bàn nhỏ ở dưới gốc cây mận, uống trà và kể cho nhau những câu chuyện nhặt nhạnh đâu đó, vậy là đủ vui.

Nhưng mẹ đã không cùng ba đi cùng mãi. Mẹ bệnh, một căn bệnh nan y khó cứu chữa. Rồi những ngày mẹ bệnh, ba vẫn thường đưa mẹ lên sân thượng, lật từng trang sách đọc cho mẹ nghe, giữa mùi hương thơm của hoa bay thoảng. Mẹ đi khi cây mận đã vào mùa trái chín.

Nhưng giờ thì lại là một câu chuyện khác, chúng tôi sắp xếp cho ba có một người phụ nữ kề bên, mà người phụ nữ ấy không ai khác hơn chính là em gái của ông chủ nhà hàng xóm - chị Kim. Từ ngày mẹ mất, ba ở một mình, chỉ một mình ba trong căn nhà luôn đóng kín cửa. Thu nhập chính của ba là những trang viết, ba đứng trang cho một số báo, thỉnh thoảng ba dạy ở mấy lớp tiếng Pháp ở các trung tâm.

Hai đứa con đều ở xa, chị Mỹ thì lấy chồng ở bên Thụy Điển, sau khi chị tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang bên đó. Họa hoằn lắm chị mới về theo kiểu dồn phép. Về, dắt hai đứa cháu chỉ biết bập bẹ tiếng “ông ngoại”, còn sau đó thì tụi nó nói chuyện với ba mẹ nó bằng ngôn ngữ xa lắc xa lơ. Ông đùa: “Con nói tiếng Pháp đi, ông ngoại mới hiểu”. Còn tôi thì lập gia đình tận TP. Hồ Chí Minh, công việc ở đó và mọi thói quen đều ở đó. Ba vẫn ở lại con phố nhỏ, ở lại căn nhà nhỏ với bao nhiêu kỷ niệm với mẹ. Ba là người đàn ông sống lẻ loi, không có một tình yêu nào xen vào. Ba sống như thế hơn 20 năm rồi. Cây mận cũng chừng ấy năm cứ vươn cao và mỗi mùa lại ra hoa, kết trái.

Sẽ không giải thích như thế nào khi ở giữa một xã hội mà mọi người có thể buông bỏ mọi thứ, thậm chí quên cả gia đình để theo tiếng gọi của ái tình, mà ba vẫn vậy? Ba và mẹ quen nhau từ thời học trò, cái thuở đi học bằng đôi chân, cứ chậm rãi đi qua những con đường để đến trường. Thuở ấy sự theo đuổi, lòng vương vấn tình cho tới lời tỏ tình, cả cái nắm tay rồi đến môi hôn như một quãng đường dài đằng đẵng. Ba cứ đi theo cô gái có mái tóc dài gội đầu bằng bồ kết, thỉnh thoảng gió thổi ngược để mùi hương tóc lan tỏa về phía sau, khiến chàng trai si tình cứ hít cho no lồng ngực để đêm nhớ về. Tình yêu bằng những bước chân, bằng mùi hương tóc ấy vững bền như núi khi về ở chung nhà.

Mẹ là người thích cây cỏ. Mảnh đất nhỏ ở nhà, ba để cả một sân thượng cho mẹ trồng cây. Mà không phải mẹ trồng các loại cây to lớn gì đâu. Là những cây con mọc đâu đó ven đường, là hạt giống cây chanh, ớt, khổ qua hay cà chua. Mẹ gieo hạt và chúng theo hơi ấm bàn tay người, nẩy mầm, đâm chồi lớn dần. Đặc biệt là mẹ kho cá rất ngon. Cá kho thì ai không chế biến được? Nhưng thực ra để làm cho nồi cá kho ngon thì chắc không ai có thể qua tay mẹ. Và ba cũng vậy, ba thích cá kho, rau luộc mẹ nấu.

Nhưng cuộc sống vốn không dự đoán được mọi điều, ngay cả hạnh phúc đôi khi tưởng nắm chặt trong tay, nhưng chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ khiến cho tay buông, lìa xa mãi mãi. Mẹ đi. Ba ở vậy nuôi con, ba không hò hẹn với bất cứ người phụ nữ nào, dù ba còn trẻ và ba có quyền. Chắc chắn hương hồn mẹ ở một nơi xa khuất nào đó cũng mong ba có người pha cho ba ấm trà khi ba thức dậy vào sáng sớm, kho cho ba nồi cá, dẫu nồi cá kho đó không thể nào ngon bằng cách mẹ nấu. Người đàn ông ở một mình giống như một cái bóng đi ra đi vào, thỉnh thoảng chuông điện thoại có reo lên thì cũng chỉ là ai đó hỏi vài câu trong công việc, còn chiếc ti vi có đủ mấy chục kênh thì cũng không nói chuyện cùng ba.

“Hay là ba ở với tụi con!”. Tôi nói thế, bởi ở gần con cái vẫn hơn. Ba lắc đầu: “Không, ba vẫn thích ở căn nhà này”. Đành vậy thôi, không cách nào. Chỉ là rảnh bay vội về, lo cho ba. Chỉ là thuê cho ba một người giúp việc theo giờ, đó là một người phụ nữ lớn tuổi. Chị chỉ ghé dọn dẹp, giặt giũ, nấu cho ba bữa ăn hay đi ra phố mua dùm cho ba mấy món ba cần. Chị không thể ngồi nói chuyện cùng ba. Một thời gian, chị giúp việc nghỉ làm. Rồi chị Kim bảo: “Cháu yên tâm, để cô lo cho ba cháu”.

Chị Kim đã trải qua một lần dang dở. Chị hiền lành, lại giỏi buôn bán. Chị mở một quán cà phê nhỏ ngay trong xóm, dưới gốc mận, bán một tí vào buổi sáng. Giờ thì chị như một người trong gia đình, không đòi hỏi một quyền lợi nào hết. Chị may lại những chiếc rèm cửa đã cũ, chị xếp lại giá sách của ba để lâu ngày bụi bám. Bữa cơm của ba có người so đũa cùng, ba ngồi trên sân thượng đã có người kể cho ba nghe chuyện xảy ra trên phố. Và cứ thế, hai đứa con gọi về, điện thoại trong nhà reo lên là giọng chị Kim: “Ông ấy đang ngủ, hôm nay cô đưa ông ấy ra biển, lần đầu tiên ông ấy ăn kem”. Ba ghét kem cực kỳ, mà người đàn bà ấy khiến cho ba ăn kem có nghĩa là trái tim của ba đã lao xao.

***

Ba mặc chiếc chemise mới toanh. Chị Kim đẹp lạ trong chiếc áo dài màu hồng, đôi môi tô son. Ba bảo: “Làm đơn giản thôi, làm to người ta nói”. Vâng, đơn giản thôi, chỉ là mâm cơm để mời hàng xóm. Chỉ là thắp hai cây nến và ít hoa quả đặt lên bàn thờ. Ba và chị Kim ngồi cạnh nhau, cách ngồi bên nhau hôm nay khác với trước kia. Tôi nâng ly: “Chúc mừng ba và dì giờ đã ở chung một nhà, con chúc mừng ba!”. Hai người đã trải qua tuổi yêu, đã trải qua biết bao nhiêu giông gió cùng nâng ly rượu, màu rượu đỏ sóng sánh soi trong đó hai niềm vui, lén giấu những giọt nước mắt. Ba nói rất nhỏ, dường như chỉ mình tôi nghe: “Ba cám ơn con!”.

Mùa này cây mận đang ra hoa, những bông hoa theo gió thổi cứ bay tung. Ba nói vu vơ như thể ba chỉ nhìn thấy cây mận: “Chắc năm nay cây mận sẽ ra nhiều trái”. Chắc chắn cây mận năm nay sẽ ra nhiều trái, và rồi lũ trẻ hàng xóm sẽ được hái những trái mận chín, đó là niềm vui của ba. Và rồi những con chim đêm cũng sẽ về tìm ăn những trái mận, như nơi đây là chỗ an toàn của chúng.

Đêm nay thành phố vẫn chong đèn trên những con đường, và đâu đó có những người yêu thương cùng chở nhau về chung một con đường, dẫu cho con đường xa vời vợi. Và ba của tôi cũng vậy, giờ ba cũng đã có người chung đường, không còn lẻ loi.

Khuê Việt Trường