WHO khuyến nghị nhóm người cao tuổi nên tiếp tục được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 sau 12 tháng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
“COVID-19 vẫn đang ở rất gần chúng ta” và đang lưu hành ở tất cả các quốc gia, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO nhấn mạnh.
“Dữ liệu từ hệ thống giám sát của chúng tôi trên 84 quốc gia báo cáo rằng, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã tăng lên trong nhiều tuần qua… Nhìn chung, tỷ lệ xét nghiệm dương tính là trên 10%, nhưng con số này dao động theo từng khu vực. Ở châu Âu, tỷ lệ dương tính là trên 20%”, bà Van Kerkhove cho biết.
Các làn sóng lây nhiễm mới đã được ghi nhận ở châu Mỹ, châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Đáng lưu ý, quá trình giám sát nước thải cho thấy sự lưu thông của SARS-CoV-2 cao hơn từ 2 - 20 lần so với số liệu hiện tại.
Tỷ lệ lưu thông cao như vậy trong những tháng mùa hè ở bán cầu bắc là “không điển hình” đối với các virus đường hô hấp – vốn có xu hướng lây lan chủ yếu ở nhiệt độ thấp.
Được biết trong những tháng gần đây, bất kể mùa nào, nhiều quốc gia đã trải qua các đợt bùng phát COVID-19, bao gồm cả ở Thế vận hội Paris, với ít nhất 40 vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, giải đua xe Tour de France đã phải khôi phục các biện pháp bảo vệ để “hạn chế rủi ro sức khỏe”, sau khi một số tay đua buộc phải bỏ cuộc khi dương tính với COVID-19.
Theo các nhà khoa học, khi virus tiếp tục tiến hóa và lây lan, nguy cơ xuất hiện một chủng virus nghiêm trọng hơn có khả năng “trốn” các hệ thống rà soát và không phản ứng với can thiệp y tế sẽ ngày càng tăng cao.
Tiếp tục nâng cao nhận thức về tiêm chủng và phòng ngừa
Tháng trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mỗi tuần, hơn 1.700 người trên khắp thế giới vẫn đang tử vong vì COVID-19, và cảnh báo rằng tỷ lệ tiêm vaccine đang giảm đáng kể ở những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế tuyến đầu - hai trong số những nhóm có nguy cơ tử vong cao nhất do nhiễm COVID-19.
Một báo cáo của WHO công bố vào tháng 6 năm nay cho thấy, 4,9 triệu người lớn tuổi trên 60 quốc gia đã được tiêm một liều vaccine COVID-19 trong quý I/2024, tương ứng với tỷ lệ 0,42%. Trong số những người làm công tác chăm sóc sức khỏe, con số này chỉ là 234.000 người trên 40 quốc gia được theo dõi, chiếm tỷ lệ 0,17%.
Tiến sĩ Nilufar Ahmed, nhà tâm lý học và giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, cho biết việc đưa tin về loại virus này trên các phương tiện truyền thông ngày càng giảm và thông điệp hạn chế về sức khỏe cộng đồng có thể đã góp phần dẫn đến sự sụt giảm trong việc tiêm chủng.
Mặc dù số ca nhập viện vì COVID-19 vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, WHO vẫn đang kêu gọi các chính phủ tăng cường các chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo các nhóm có nguy cơ cao nhất được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 sau 12 tháng, bất chấp tình trạng sẵn có của vaccine đã giảm đáng kể trong 12-18 tháng qua, khi số lượng nhà sản xuất vaccine này gần đây đã suy giảm.
Đáng lưu ý, ngoài việc tiêm chủng, các biện pháp y tế công cộng khác đã được khuyến nghị - nếu không muốn nói là bắt buộc - trong những năm đầu của đại dịch cũng đang phải vật lộn để tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng.
“Rất ít người đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng”, bà Van Kerkhove cho biết. “Chúng tôi thấy rất ít người đeo khẩu trang và những người đeo khẩu trang thường bị cho là nhiễm COVID-19 - chứ không phải họ đeo khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa”.
Tuy nhiên, những biện pháp này rõ ràng vẫn có thể cứu sống được nhiều người. Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 5 chỉ ra rằng việc đeo khẩu trang trên các chuyến bay đường dài đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trên các chuyến bay không bắt buộc đeo khẩu trang, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên các chuyến bay đường dài tăng gấp 25,93 lần so với các chuyến bay ngắn. Tuy nhiên, trên các chuyến bay có chính sách đeo khẩu trang nghiêm ngặt, không phát hiện thấy sự lây nhiễm nào của COVID-19.
“COVID-19 vẫn là mối đe dọa lớn”
Theo WHO, số người chết thực sự trong những năm đầu của đại dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Báo cáo của WHO cho biết tính đến ngày 26/5/2024, đã có hơn 775 triệu trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận và hơn 7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới kể từ khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, con số đó có thể chỉ là “phần nổi” của một thực tế ảm đạm hơn, khi xét theo tải lượng virus được tìm thấy thông qua giám sát nước thải, số ca bệnh thực tế có thể cao hơn từ 2 - 20 lần.
“Với phạm vi bao phủ vaccine thấp và tỷ lệ lưu hành của virus rộng rãi như hiện nay, nếu có một biến thể nghiêm trọng hơn thì nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng của nhóm dân số có nguy cơ là rất lớn”, Tiến sĩ Van Kerkhove cảnh báo.
Từ đó, báo cáo của WHO nhấn mạnh “COVID-19 vẫn là mối đe dọa lớn” và kêu gọi các quốc gia thành viên duy trì - chứ không phải phá bỏ, các cơ sở hạ tầng phòng ngừa COVID-19 đã được thiết lập trước đây trong đại dịch.
(Lược dịch từ UN & France24)