Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau tai biến |
Can thiệp sớm, điều trị hiệu quả
Đồng hành với cháu là Lê Đ.K.H. điều trị hơn một năm qua, mệ Huỳnh Thị Đ., một nông dân nghèo vui mừng trước sự tiến bộ của cháu trai. H. sinh non, bị bại não, không biết đi, chậm nói. Gần 3 tuổi, gia đình mới đưa bé đến BV PHCN khám. Ba mẹ vào miền Nam làm công nhân may, bà Đ. bỏ việc đồng áng, từ xã Hương Phong (TP. Huế) đều đặn đưa cháu lên BV điều trị. Hiện, bé H. đã nói chuyện sành sõi; có thể tự ăn uống, dọn dẹp vệ sinh; giao tiếp tự tin với người khác.
Tương tự, bệnh nhi Nguyễn Đ.Q. hơn 8 tháng tuổi bị khuyết tật vận động từ Quảng Trị vào BV PHCN điều trị nội trú. Q. là con thứ hai của chị Nguyễn Thị L. – một thợ may. Ba bé đi xuất khẩu lao động nước ngoài, chị L. theo con vào Huế. Chị L. kể: “Khi thấy con có dấu hiệu bất thường, em đưa bé đi khám nhiều nơi và quyết định điều trị lâu dài ở đây vì có chuyên khoa dành cho bệnh nhi. Sau gần một tháng, bé cứng cáp, phản xạ tốt hơn, nhận ra mẹ... May bé được phát hiện, can thiệp sớm nên hồi phục nhanh”.
Mỗi ngày, điều dưỡng Trần Thị Ngọc Trang, Khoa Nhi, BV PHCN dạy 13-14 cháu chậm nói do các di chứng của bệnh bại não, rối loạn ngôn ngữ… Theo chị Trang, sự phối hợp của bác sĩ, kỹ thuật viên, người nhà trong quá trình tập luyện mang lại nhiều hiệu quả trong điều trị. Có những bé khiếm khuyết về vận động hay trí tuệ, nhưng gia đình đưa đến BV muộn thì việc điều trị sẽ khó và kéo dài hơn nên cần truyền thông để can thiệp sớm.
BV còn điều trị PHCN cho nhiều người lớn tuổi. Sau hơn một tháng luyện tập, BN Hoàng T. V. 72 tuổi, bị tai biến từ Nam Đông đã nói được nguyên câu, tập vận động tay chân trong sinh hoạt. Cử nhân vật lý trị liệu Võ Xuân Hải, người điều trị bà V. lưu ý: “Đối với các bệnh đột quỵ, chấn thương, việc phục hồi sớm cho BN rất quan trọng, bởi đây là thời gian vàng PHCN. Nếu người nhà có những triệu chứng của các bệnh nói trên thì nên đưa BN điều trị sớm để khả năng PHCN hàng ngày tốt hơn”.
Theo thống kê, Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật (chiếm 7,8% dân số). Các dạng khuyết tật có tỷ lệ cao nhất liên quan đến vận động (27%), thị giác (15%), nghe và nói (15%), tâm thần và trí tuệ (31%). Hầu hết người khuyết tật có nhu cầu được phục hồi chức năng thường xuyên và lâu dài. Không chỉ người khuyết tật, người cao tuổi hay bất cứ ai có vấn đề sức khỏe dẫn tới suy giảm khả năng đều cần PHCN. Nhu cầu PHCN trên thế giới và ở Việt Nam ngày càng tăng, vì vậy, việc phát triển hệ thống PHCN rộng khắp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Công tác phục hồi chức năng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và đạt được những kết quả nổi bật. BV PHCN đã đăng ký triển khai các kỹ thuật mới trong lĩnh vực phục hồi chức năng và y học cổ truyền, đặc biệt bổ sung thêm kỹ thuật điện châm điều trị bệnh tự kỷ trẻ em. Thực hiện hiệu quả mô hình phục hồi chức năng đa chuyên ngành, tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc toàn diện.
Chú trọng truyền thông
Trung tâm Y tế Phú Vang là đơn vị đầu tiên tuyến huyện có Khoa PHCN, tiếp đó là sự ra đời của Nhà Trung chuyển hỗ trợ công tác điều trị cho bệnh nhân, người khuyết tật. Bình quân mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận 50 BN điều trị nội, ngoại trú, trong đó có nhiều bệnh nhân ở Phú Lộc, Hương Thủy.
BSCKI Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc TTYT Phú Vang cho hay: “Chúng tôi xây dựng đội ngũ cộng tác viên và thư ký chương trình PHCN tại tuyến cơ sở nhằm mở rộng truyền thông, tư vấn cho người bệnh được điều trị kịp thời. Hiện, có 3 trạm y tế đã triển khai công tác PHCN với trang thiết bị hỗ trợ luyện tập cho người dân tại địa phương”.
Tại BV PHCN tỉnh, số bệnh nhân đến điều trị ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2024, công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch đạt 67,3%, cao hơn 2,3% so với cùng kỳ; số BN điều trị nội trú gần 480 người, tăng 7,2%… Bên cạnh khám, chữa bệnh, BV là đầu mối thực hiện chương trình PHCN dựa vào cộng đồng. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được duy trì hoạt động tại 141 xã, phường, thị trấn với tổng số cộng tác viên, y tế thôn tổ, nhân viên PHCN hơn 1.300 người, tổng số người khuyết tật đang quản lý là 20.330 người. Số người được hướng dẫn tập luyện PHCN tại cộng đồng trong năm là 1.757 người. Số người có tiến bộ là 1.494 người. Ngoài ra, công tác PHCN còn được sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp hoạt động với một số dự án, hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân.
ThS.BS. Nguyễn Khoa Nguyên - Giám đốc Bệnh viện PHCN tỉnh thông tin: “BV tham mưu cho Sở Y tế, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phát triển hệ thống PHCN trên địa bàn tỉnh đến 2030 và định hướng đến 2050. Trong đó chúng tôi xây dựng chương trình truyền thông mũi nhọn để các cấp chính quyền, nhà quản lý nhằm hỗ trợ cho cộng đồng. Đồng thời, cũng truyền thông đến người dân, cán bộ y tế nhằm nâng cao nhận thức, vai trò PHCN trong điều trị, chăm sóc giảm nhẹ tại cộng đồng”.
PGS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để phát triển PHCN đa chuyên ngành cần nhân lực, trang thiết bị chuyên sâu mới đáp ứng đầy đủ. Sở đã đưa ra các mục tiêu phát triển nhằm hoàn thiện hệ thống PHCN trên địa bàn tỉnh phù hợp theo phân tuyến, khu vực, đảm bảo người dân được tiếp cận PHCN toàn diện, liên tục, công bằng; góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người dân”.