VĐV Panipak Wongpattanakit của Thái Lan giành HCV nội dung Taekwondo hạng cân dưới 49kg nữ tại Olympic Paris 2024 ngày 7/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại Olympic Paris 2024, Thể thao Đông Nam Á có 11 đoàn, gồm 182 VĐV tranh tài và hiện mới chỉ giành được 3 HCV, trong đó Philippines mang về 2 HCV (môn Thể dục dụng cụ) và HCV còn lại thuộc về đoàn Thái Lan (môn Taekwondo).
Nhìn từ thực tế tại Olympic Paris 2024 có thể thấy trình độ VĐV của khu vực Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước hàng đầu thế giới, đặc biệt ở những bộ môn Olympic thiên về sức mạnh và thể hình như bơi, điền kinh hay đua xe đạp.
Thế mạnh của các quốc gia Đông Nam Á trong suốt chiều dài tham dự các kỳ Thế vận hội có thể tranh chấp huy chương nằm ở các môn như bắn súng, cầu lông, quyền Anh, cử tạ, bóng bàn cùng các môn võ. Trong số này, Indonesia và Malaysia rất mạnh về cầu lông, Thái Lan và Philippines đầu tư cho quyền Anh, còn cử tạ các hạng cân nhẹ cũng là thế mạnh của nhiều nước trong khu vực có khả năng có thể tranh chấp huy chương thế giới.
Các môn Olympic đều cần có một thời gian tích lũy tập luyện rất lâu, đầu tư bài bản. Chính vì vậy, sẽ rất khó cho các quốc gia Đông Nam Á nào muốn giành huy chương nhưng lại không có được mũi nhọn khi bước ra đấu trường thế giới. Những VĐV của tất cả các đoàn đều cần phải đạt chuẩn, đạt thành tích xuất sắc trong bộ môn của mình mới giành được tấm vé đến với sàn đấu Olympic.
Từ đó sẽ thấy muốn đạt kết quả tốt tại các kỳ Olympic, các nước Đông Nam Á cần "cải tiến" triệt để chương trình thi đấu tại các kỳ SEA Games. Cụ thể, SEA Games sẽ chỉ tập trung thi đấu các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad. Điều quan trọng hơn nữa là ngoài thành tích huy chương, các nội dung Olympic ở SEA Games cần chú trọng nâng chất về thành tích. Có như vậy sẽ giúp phản ánh đúng thực trạng phát triển và giúp thể thao Đông Nam Á tiếp cận với thể thao thế giới trong tương lai gần.