Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại trung tâm y tế ở Lobaya, Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa nâng mức ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia châu Phi lên mức cao nhất, đòi hỏi mở rộng quy mô và huy động mọi nỗ lực trên toàn tổ chức. Ngoài ra, Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đã kêu gọi một ủy ban chuyên gia họp khẩn để xác định xem đợt bùng phát này có cấu thành “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế” hay không.
Theo WHO, 15 quốc gia châu Phi hiện đang báo cáo sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, với tổng cộng 2.030 ca được xác nhận và 13 ca tử vong tính từ đầu năm đến nay, so với 1.145 ca và 7 ca tử vong trong cả năm 2023. Bốn quốc gia - Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda - trước đây không bị ảnh hưởng bởi bệnh đậu mùa khỉ, hiện cũng đã ghi nhận các ca nhiễm từ giữa tháng 7/2024.
Mpox là một căn bệnh gây ra bởi virus đậu mùa khỉ, với các triệu chứng phổ biến bao gồm phát ban trên da hoặc tổn thương niêm mạc có thể kéo dài từ 2-4 tuần kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, đau lưng và sưng hạch bạch huyết… Mpox lây truyền từ động vật sang người, và cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể, tổn thương trên da, các giọt bắn đường hô hấp và các vật thể bị nhiễm virus.
Việc điều trị bệnh nhân mắc mpox phụ thuộc vào các triệu chứng. Nhiều liệu pháp điều trị khác nhau có thể có hiệu quả chống lại mpox hiện đang được phát triển và thử nghiệm.
Ưu tiên ngăn chặn sự lây truyền
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi chiếm hơn 90% các ca bệnh được báo cáo, một biến thể mới xuất hiện vào tháng 9/2023 đang lưu hành ở khu vực phía đông của nước này. Các ca nhiễm biến thể đó cũng đã được ghi nhận ở các nước láng giềng Rwanda và Uganda, cũng như Kenya, trong khi việc phân tích các ca lây nhiễm đang được tiến hành ở Burundi.
Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO nhấn mạnh rằng “ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng ngăn chặn sự lây truyền của virus… Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác để hỗ trợ các quốc gia tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo cộng đồng đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực đang diễn ra, nhằm chấm dứt hiệu quả các đợt bùng phát này”.
Hành động thực tiễn
Được biết, WHO đang làm việc ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, cũng như với các đối tác, bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi và các bên khác để đảm bảo ứng phó hiệu quả với đợt bùng phát hiện nay.
Tại châu Phi, WHO đang làm việc thông qua các nhóm quốc gia và các chuyên gia được triển khai tại chỗ để hỗ trợ các chính quyền quốc gia tăng cường các lĩnh vực ứng phó chính, bao gồm giám sát dịch bệnh, xét nghiệm chẩn đoán và chăm sóc lâm sàng, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm.
Đồng thời, WHO cũng làm việc với các cơ quan y tế để tiếp cận các liệu pháp điều trị, phân cấp các dịch vụ xét nghiệm để nâng cao năng lực chẩn đoán và đẩy mạnh các nỗ lực nâng cao nhận thức về nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng.
(Lược dịch từ UN)