Sau rất nhiều đắn đó, cuối cùng Huế chọn ẩm thực để xây dựng hồ sơ trình UCCN. Thông tin này được nhiều người đồng tình, ủng hộ và tin rằng sau Hà Nội, Hội An, Đà Lạt thì Huế sẽ trở thành thành viên của UCCN và góp phần lan tỏa văn hóa Việt Nam đi xa hơn.
Du khách tìm hiểu các món ngon của Huế ngay trên chuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng |
Chọn ẩm thực, thế mạnh của Huế
Với hơn 300 năm là thủ phủ Đàng Trong rồi sau đó là Kinh đô của nước Việt, nên “của ngon vật lạ” trong thiên hạ cũng như người tài giỏi bếp núc khắp nơi đã được trưng tập về Huế. Nhắc đến ẩm thực xứ Kinh kỳ, người ta sẽ nghĩ đến một danh sách đồ sộ với 1.700 món ăn đã được kiểm kê, điều tra, có thể thấy các món ăn này cơ bản được chia làm ba loại, gồm: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay.
TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, di sản văn hóa ẩm thực phản ánh rõ nét thế ứng xử của con người trước môi trường sống. Huế từ nơi biên viễn, trở thành dinh phủ rồi Kinh đô thời chúa Nguyễn - Tây Sơn - Nguyễn, nên văn hóa ẩm thực Huế hội tụ tinh hoa khắp nơi, rồi lan tỏa ra bên ngoài, trên nền tảng yếu tố bản địa phương Nam, cội nguồn đất Bắc và cả phương Tây, mang giá trị bản sắc truyền thống tinh hoa đặc trưng.
Ẩm thực Huế là một nền tảng tạo nên sự khác biệt, niềm tự hào, tạo sự hấp dẫn cho du lịch Huế theo lý thuyết bản sắc văn hóa và dị biệt hóa sản phẩm. Tiếp cận di sản văn hóa Huế theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa thì ẩm thực là lĩnh vực quan trọng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa di sản văn hóa và sản phẩm du lịch. Với vai trò đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa ẩm thực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Huế, thiết nghĩ càng phải quan tâm đến vấn đề then chốt là dữ liệu hóa di sản văn hóa ẩm thực Huế. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa ẩm thực là rất thiết thực, nhằm hệ thống hóa và cập nhật đầy đủ nhất các kết quả nghiên cứu, thông tin tư liệu có liên quan tới di sản văn hóa ẩm thực.
Thành tố quan trọng của văn hóa Huế
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, ở thời điểm hiện tại, dựa trên các kết quả khảo sát ban đầu và chưa đầy đủ cho thấy, có một số tiêu chí của hồ sơ ẩm thực thuộc mạng lưới UCCN đang được nhìn nhận là thế mạnh của Huế và cần được phát huy. Vì thế, cần phải phát huy thế mạnh “Kinh đô ẩm thực của Việt Nam” để định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á. Cùng với đó, dựa trên sự đa dạng của các món ăn trong đó có hàng nghìn món ăn đã được kiểm kê, điều tra để triển khai các sáng kiến quốc tế hóa món ăn Việt Nam. “Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia UCCN, bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái”, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Hữu Thông thì nhận định, một khi quan niệm ẩm thực như là một bộ phận gắn kết không thể thiếu khi giới thiệu về một nền văn hóa, thì nó sẽ không còn là miếng ăn thức uống thuần túy nữa, mà ở đó chứa đựng cả một chiều sâu triết lý, thẩm mỹ, quá trình kế thừa và thích ứng với môi trường sống, phản ánh trong từng góc cạnh. Ở đó còn phản ánh hiện tượng tiếp biến văn hóa của một cộng đồng vốn không phải là cư dân tiền trú của vùng đất này.
Theo ông Thông, văn hóa ẩm thực Huế chính là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc và nổi trội của vùng đất này. Cho nên, để tôn vinh sản phẩm du lịch độc đáo ấy, thì đây không còn là công việc hay sứ mạng của chỉ ở người nấu bếp, mà là sự kết hợp sẻ chia của nhiều đối tượng, nhiều ngành, nhiều chuyên môn khác nhau.
Làm sao để trên từng món ăn thức uống ở đây, hiện diện trước khách du lịch như một thực thể có linh hồn, chuyển tải được tiếng nói sâu thẳm của triết lý sống và thẩm mỹ quan của văn hóa và con người Huế. Cụ thể hóa vấn đề này có lẽ là điều không nằm ngoài tầm tay của chúng ta, mà điều quyết định sẽ xuất phát từ một dự án liên ngành với đội ngũ nhân sự tâm huyết và có một nguồn kinh phí tương thích.