Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn

Loại bỏ dần những thói quen, hành vi xấu

Kể từ thời điểm có quy định về xử phạt nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, anh PVT. (P. Xuân Phú, TP. Huế) mỗi khi đi dự tiệc hoặc ăn uống có dùng bia, rượu, anh đều gọi taxi hoặc Grab làm tài xế. Lâu dần, không chỉ anh T. mà nhiều người cũng hình thành nên thói quen đã uống bia, rượu thì không lái xe.

Anh T. chia sẻ, với mức phạt vi phạm nồng độ cồn gắt gao và còn có thể bị gửi thông báo về nơi làm việc hoặc bị tước giấy phép lái xe nên anh không dám lái xe khi đã uống bia, rượu. Khi lái xe đi dự tiệc, mọi người cũng không còn ép anh uống bia, rượu như trước.

Thời gian qua, với sự ra quân của lực lượng CSGT, tình trạng người đã uống bia, rượu rồi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm. Thể hiện rõ nhất là ở các tiệc cưới, người uống bia cũng ít dần mà chuyển qua dùng nước ngọt, nước khoáng để không bị kiểm tra, xử phạt khi điều khiển phương tiện giao thông. Việc này nhận được sự đồng tình của nhiều người, vì sẽ giảm bớt các nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) do người lái xe có sử dụng bia, rượu gây ra.

Chị Phạm Thị Vy (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) cho rằng, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn có tác động tích cực, làm thay đổi thói quen uống bia, rượu của nhiều người, góp phần giảm nguy cơ mất ATGT, cũng như giảm các vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích.

Trực chốt kiểm tra nồng độ cồn ở khu vực cầu vượt Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), Thiếu tá Trần Hải Dương, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, cán bộ đơn vị làm nhiệm vụ được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra công khai kết hợp hóa trang với mục tiêu kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm về nồng độ cồn với phương châm “không vùng cấm, không ngoại lệ”. Nhờ những dịp ra quân, tuần tra kiểm soát đã góp phần hình thành thói quen cho người dân không lái xe khi đã uống bia, rượu...

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Theo lực lượng chức năng, hiện vẫn còn nhiều trường hợp uống bia, rượu khi tiệc tùng, nhưng ra về vẫn điều khiển phương tiện giao thông và tìm mọi cách để tránh né sự kiểm tra của CSGT. Trong đó, có các “chiêu thức”, như: Chạy xe máy đi tắt vào các đường hẻm, đường nhánh trong khu dân cư; nhờ người quen “dò đường”, hoặc về nhà vào giờ muộn khuya hơn… Thậm chí, có trường hợp khi CSGT bắt gặp lại không phối hợp kiểm tra, đo thổi nồng độ cồn…

Tuy nhiên, các “chiêu trò” trên đều không có tác dụng khi lực lượng chức năng thường xuyên thay đổi địa điểm, cách thức, khung giờ tuần tra kiểm soát; đồng thời, với những trường hợp không phối hợp kiểm tra nồng độ cồn còn bị xử phạt hành chính/hình sự tùy theo mức độ.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tình hình TNGT ở địa bàn vẫn còn phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra 181 vụ TNGT, tăng 90 vụ so với với cùng kỳ, làm chết 81 người (tăng 22 người), bị thương 128 người (tăng 67 người).

Vào rạng sáng ngày 4/8 vừa qua, tổ công tác Đội CSGT- Trật tự Công an TP. Huế đã tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và ma túy trên tuyến đường Lê Lợi (TP. Huế). Tại đây, đã phát hiện tài xế Lê X.T. (SN 1984, P. Thủy Xuân, TP. Huế) đang điều khiển xe máy BKS 75F1.70XX trong tình trạng say xỉn. Tổ công tác đã tiến hành dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn với tài xế này. Qua kiểm tra, tổ CSGT phát hiện tài xế T không có giấy phép lái xe, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,194 mg/lít khí thở, vượt quá mức quy định cho phép nên tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế T.

Tiếp đó, tổ công tác kiểm tra trên tuyến đường Hùng Vương (TP. Huế) ra tín hiệu dừng phương tiện đối với ôtô BKS 75A-128XX, tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Hoàng T.Đ. (SN 1996, P. Thuận Hòa, TP. Huế). Qua kiểm tra, phát hiện tài xế này vi phạm nồng độ cồn với mức 0,774 mg/lít khí thở nên tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế Đ. Đồng thời, tạm giữ xe ô tô trên và bằng lái xe hạng C của tài xế Đ.

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma túy được lực lượng đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật. Những trường hợp vi phạm đều sẽ được xử lý để tăng tính giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành quy định pháp luật của người tham gia giao thông. Từ đó, góp phần kìm giảm số vụ TNGT và tăng cường đảm bảo trật tự ATGT ở địa phương.

Bài, ảnh: Minh Khoa