Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần thay đổi cơ cấu việc làm, nhu cầu lao động ở nhiều ngành, lĩnh vực 

Nhận diện sự thay đổi

Toàn tỉnh hiện có khoảng 839 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên. Số lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế hơn 610 nghìn người và tỷ lệ thất nghiệp chiếm 1,8%. Riêng lao động đang làm việc tại gần 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 117 nghìn người. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, chất lượng việc làm trên địa bàn vẫn chưa cao, công việc ở một số doanh nghiệp không ổn định. Vì thế, tình trạng lao động thôi việc, mất việc làm, thất nghiệp vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng qua từng năm, nhưng khả năng đáp ứng công việc của người lao động sau đào tạo còn hạn chế, kỹ năng, ý thức kỷ luật của một số lao động còn thấp.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất đang dần điều phối và tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành nghề việc làm. Điều này đòi hỏi người lao động cũng phải xoay chuyển và thích ứng phù hợp.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, các doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh không bắt kịp nhịp độ phát triển kinh tế thế giới và khu vực thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực, như: sự lạc hậu về công nghệ, sự suy giảm giá trị sản xuất, kinh doanh, tình trạng dư thừa lao động phổ thông, lao động thiếu kỹ năng, trình độ thấp, lao động không được đào tạo, đào tạo lại. Thị trường lao động truyền thống có thể bị phá vỡ, những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp hoặc ít sẽ bị mất thị phần và cơ cấu của nền kinh tế có nguy cơ thay đổi theo hướng tiêu cực. Điều khó tránh khỏi và đáng lo ngại là làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang Việt Nam.

 Tự động hóa trong sản xuất đang tác động đến nhu cầu lao động ở nhiều vị trí công việc

Theo đánh giá ban đầu, các ngành, lĩnh vực có lợi thế phát triển như: thông tin truyền thông, thương mại điện tử, giao thông vận tải (logistics), dịch vụ du lịch, giáo dục - đào tạo... nhờ được hưởng lợi từ nền tảng kết nối dữ liệu, số hóa. Trong khi đó, một số ngành như năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may lại phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn. Tất nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành hàng sẽ cùng tăng trưởng hay cùng gặp khó khăn.

Xu hướng việc làm dịch chuyển

Tại hội thảo bàn về hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm bền vững của Thừa Thiên Huế, Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm đã đưa ra dự báo cầu lao động theo 3 nhóm ngành kinh tế chính năm 2025: Lao động nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm hơn 25%; công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 37%; thương mại - dịch vụ chiếm hơn 37%.

Đơn vị này cũng phân tích, với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo..., hệ thống robot, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế sức lao động con người và điều đó dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lao động có việc làm trong ba ngành kinh tế chính. Cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Nhiều lao động trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động giản đơn có thể đối diện với nguy cơ thất nghiệp, đơn cử lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp, sửa chữa thiết bị. Số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của địa phương.

Tuy vậy, số hóa cũng đang tạo ra nhiều việc làm mới và gấp hơn 7 lần so với số việc làm mất đi. Nhiều ngành nghề mới sẽ hình thành, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc. Có 68% số việc làm tại Việt Nam yêu cầu các kỹ năng số. Nhu cầu nhân viên CNTT đến năm 2030 là hơn 1 triệu người. Khoảng 10 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra đến 2045, chủ yếu trong các ngành dịch vụ hiện đại như tài chính, truyền thông và du lịch.

Bắt nhịp xu hướng phát triển chung, công nghệ thông tin đang được tỉnh xác định là ngành trọng điểm, có sức hút với nhiều bạn trẻ muốn cống hiến trí tuệ, sáng tạo vào lĩnh vực này và tìm kiếm được việc làm cho thu nhập cao. Đây cũng là chiến lược mà tỉnh lựa chọn để phát triển thành phố công nghệ trong tương lai và nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin theo như yêu cầu đến năm 2025 cần đào tạo ra là 10.000 người. Con số này cũng đồng nghĩa với nhu cầu việc làm cung ứng cho thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), năm 2024, có 568 doanh nghiệp, tổ chức ở Thừa Thiên Huế có nhu cầu tuyển dụng 13.339 lao động. Trong đó, ngành nông - lâm - ngư nghiệp cần 1.124 người; ngành công nghiệp cần 6.295 người; ngành dịch vụ cần 5.920 người. Kế hoạch giải quyết việc làm giai đoạn 2024 - 2025 là 34.600 người, đưa 4.150 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, để đảm bảo mục tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 1,5% vào năm 2025, ngành lao động tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước nâng chuẩn đào tạo tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG