Peru giữ vai trò Chủ tịch APEC năm nay, với chủ đề “Trao quyền. Toàn diện. Tăng trưởng”. Ảnh minh họa: congthuong.vn |
Cụ thể, theo thông tin từ trang web chính thức của APEC, trong 2 tuần tới, các quan chức cấp cao, bộ trưởng và chuyên gia đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ thảo luận về các chính sách đảm bảo an ninh lương thực, tính bền vững của năng lượng, cải thiện sức khỏe cộng đồng, cũng như mở rộng và phục hồi kinh tế.
Các cuộc họp sẽ bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 14 từ ngày 15 - 16/8; Hội nghị cấp cao về y tế và kinh tế lần thứ 14 vào ngày 18/8 tại thủ đô Lima, Peru; và Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực APEC vào ngày 19/8 tại thành phố Trujillo, Peru.
Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 14 sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hiệu quả năng lượng và kết nối năng lượng trong khu vực. Hội nghị cấp cao về y tế và kinh tế lần thứ 14 sẽ tìm hiểu về sự tương tác giữa các hệ thống y tế và sự ổn định kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh những thách thức y tế toàn cầu trong thời gian gần đây.
Tại Trujillo, Tuần lễ Thực phẩm, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực diễn ra từ ngày 12 - 18/8, sẽ giới thiệu các giải pháp đổi mới sáng tạo và hợp tác khu vực trong lĩnh vực thực phẩm. Trọng tâm sẽ là an toàn thực phẩm và giảm thất thoát thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sau thu hoạch đến tiêu dùng.
Trong một nhận định liên quan, Đại sứ Carlos Vasquez, Chủ tịch Hội nghị Quan chức cấp cao APEC 2024 cho hay: “Chúng ta phải tiếp tục tăng cường các nỗ lực hợp tác trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, sức khỏe và khả năng phục hồi kinh tế. Các nền kinh tế thành viên đã được hưởng lợi từ hoạt động thương mại tự do và đầu tư của APEC trong 35 năm qua”.
Nhận thấy nhiều thách thức và những bất ổn mà các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt, Đại sứ Carlos Vasquez tái khẳng định nhu cầu đối với các thành viên trong việc đoàn kết lại và hành động để đảm bảo châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực năng động nhất, với sự tăng trưởng bền vững và toàn diện, nâng cao và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
“Diễn đàn APEC tiếp tục là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hợp tác và thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, những nỗ lực chung đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Kết quả của các cuộc họp này không chỉ ảnh hưởng đến châu Á - Thái Bình Dương, mà còn mang ý nghĩa toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chuẩn bị cho Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11 sắp tới”, bà Rebecca Sta Maria, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nói thêm.