Ẩm thực bây giờ đã trở thành một yếu tố hấp dẫn khách du lịch. Không phải chỉ riêng khách ngoại tỉnh mà ngay trong tỉnh nhà, từng nhóm bạn cũng rủ nhau đi thăm thú những làng nghề truyền thống của Huế xưa, xem đó là chuyến “du lịch” ngắn trong ngày, vừa giúp mở rộng tầm nhìn ra cuộc sống chung quanh, ngắm cảnh ruộng vườn, cây trái, gặp gỡ những con người “hiền như đất” vừa được thưởng thức hương vị ẩm thực làng quê. Chỉ chừng ấy thôi là đã thấy thú vị. Cho nên khi nhóm bạn rủ nhau đi thăm những làng nghề ẩm thực truyền thống nổi tiếng, ở gần Huế nhất, thì tất cả đồng ý ngay.
Nét đặc biệt của bánh gói Hương Cần là được gói dài theo chiều dọc của ngọn lá dong |
Mùi bánh hấp chín dậy thơm cả hiên nhà. Mới bước vào đến cổng mà tôi như thấy đang trở về nhà của một thời chưa xa, lúc mạ thường hay gói bánh lá rồi hấp chín chuẩn bị cho ngày kỵ ông bà. Tiếng chị Nguyễn Thị Thu chào hỏi đưa tôi về thực tại với niềm vui mới “Vô nhà chơi đã mấy em, chị đang hấp bánh, chín rồi đó, ăn cho nóng!”.
Bánh gói làng Hương Cần (Hương Toàn) nổi tiếng lâu nay rồi, là sản vật tiến vua chứ không phải chơi. Ngày trước, mỗi lần có bà con từ Hương Cần lên Huế thường đem theo quà quê, món quà được mong đợi là quýt Hương Cần và bánh gói. Mỗi lần như vậy là mạ lại hấp bánh trong cái nồi xửng và đơm quýt lên quả bồng dâng cúng ông bà trước rồi mới đến cả nhà thưởng thức sau.
Nét đặc biệt của bánh gói Hương Cần là được gói dài theo chiều dọc của ngọn lá dong, không có dạng hình chữ nhật như bánh nậm hoặc bánh lá. Nguyên liệu chính là bột gạo, nhụy là tôm và thịt nạc heo băm nhỏ, nhưng điều làm nên cái sự ngon của bánh gói Hương Cần đó là kỹ thuật pha bột gạo, làm sao cho bánh khi chín không bở mà cũng không dai, mềm mại và mướt mát, có mùi thơm dịu nhẹ từ lá dong. Canh lửa khi hấp bánh cũng là một kinh nghiệm quý, chỉ cần ngửi mùi thơm của lá là biết bánh đã chín chưa, làm sao cho bánh vừa chín tới, ngọn lá dong xanh mướt, nhìn đẹp mắt, chưa nếm cũng đã cảm được vị ngon.
Lau xong một rổ lá dong, chị Thu nhanh nhẹn phết bột làm bánh và kể chuyện làng mình. Cả làng bây giờ có khoảng hơn mười nhà làm bánh gói, bánh lọc, bánh ít. Khách du lịch ghé thăm mua đem về làm quà cũng nhiều. “Bánh gói Hương Cần chừ đi xa rồi em ơi, các chị hút chân không rồi cấp đông đóng vô Huế và ngoại tỉnh nữa”, chị Thu khoe “công nghệ mới” của nghề bánh gói làng mình và cười thật tươi. Từ ngày Huế mở rộng địa giới hành chính, những ngôi làng ven đô một thuở nay trở thành tổ dân phố, phường. Dẫu tên gọi thay đổi nhưng các làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và mở rộng theo sự phát triển của du lịch. Những người chị làng quê hiền lành, duyên dáng, chăm chỉ, gợi hình ảnh những cô thôn nữ đã đi vào thơ, văn một thuở.
Lá dong dùng để gói bánh. Ảnh: GIANG LÊ |
Mùa này, lúa hè thu đã kết đòng tỏa hương thơm dìu dịu, đi trên đường làng nghe hương lúa vây quanh. Đường quê bây giờ đã bê tông hóa nên việc đi lại rất dễ dàng. Trong ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát, các chị ở thôn Cổ Lão tập trung tại nhà chị Trịnh Thị Thủy Tiên cùng chằm nón. Những chiếc nón lá xanh được chằm với mũi kim đều đặn, thật đẹp, nón lá Hương Toàn nổi tiếng xưa nay ai cũng biết mà. Chị Thủy cho biết “Nghề nón cho thu nhập thấp, nhưng lúc nông nhàn chúng tôi cũng tranh thủ chằm nón để kiếm thêm thu nhập. Chị em tập trung tại nhà một người, vừa chằm nón vừa trò chuyện cũng vui”. Trong dáng ngồi bên khuôn nón, các chị trông thật duyên, một vẻ đẹp không cần son phấn mà vẫn tỏa rạng một cách mộc mạc, thu hút mắt người muốn ngắm mãi.
Những người chị làng quê mộc mạc như đất, hiền như bánh gói, mềm mại và duyên dáng như sợi bún làng Vân Cù. Nói về nghề bún Vân Cù, ngày trước khi chưa có máy móc hỗ trợ, nghề làm bún thật vất vả. Bây giờ việc xay gạo nặng nhọc đã có máy, không cần vắt bún bằng tay, nhưng nghề bún vẫn cần sự nhanh nhẹn của các chị. Ấy là khi những sợi bún đi qua dây chuyền nước sôi, được nấu chín và được đẩy ra thau nước lạnh thì các chị phải nhanh tay vớt bún, cái thì làm bún con, cái thì làm bún sợi. Tất cả đều nhịp nhàng và cần sự kiên trì, chịu khó. Những cô thôn nữ làng bún Vân Cù năm nào bây giờ đã lên chức bà và họ truyền nghề lại cho con, nét đẹp của làng nghề được trao truyền như thế.
Một lớp người xưa là các mệ đang được một lớp người nay trẻ hơn tiếp nối nghề. Dòng đời sống vẫn âm thầm chảy, trong hiện tại có quá khứ truyền thống, đó là mạch nguồn hương thơm của những ngôi làng trong đời sống đô thị hiện đại, để cho tôi một ngày rong chơi thấy yêu sao những ngôi làng trong phố và thấy mình "gần gụi" với phố, vì trong phố có cội nguồn.