Chiến dịch… 2 triệu cây

Không phải vậy. Đó là ngắm hoa của một loại cây xanh thành phố, được người dân bản địa gọi là cây mưa rơi (tên khoa học là Samarea saman, tiếng Anh là Rain tree, người Việt mình thường gọi là cây muồng tím, muồng ngủ, me tây, hoặc cây còng). Cây mưa rơi là loại cây thân mộc cao trung bình đến 25 mét, trồng lâu năm trong một điều kiện thích hợp có thể trở thành cổ thụ cao gấp đôi bình thường, hoa nhỏ có năm cánh màu hồng hoặc tím nhạt, nở bung ra rất đẹp và thơm, tán lá rậm rạp, rộng hơn chiều cao của cây, hình mâm xôi, xòe rộng dưới nắng mặt trời, khi có mưa hoặc tối trời sương xuống, lá tự động cuốn lại giữ nước bên trong, nắng lên, lá lại xòe ra làm mưa, lại thêm một lần rơi xuống. Người Việt mình lấy tư duy miêu tả về màu sắc để gọi tên, còn người Singapore lấy tính năng bản chất, gắn liền với khát vọng về nguồn nước để gọi tên, bởi vì nơi đây gần 50% nguồn nước ngọt là lấy từ nước mưa, số còn lại phải nhập khẩu từ Malaysia…
Khắp phố phường đều là màu xanh của cây mưa rơi
Quần đảo Singapore gồm một đảo chính và sáu mươi đảo nhỏ, nơi dừng chân của những ngư dân đi đánh bắt xa bờ từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Sau nhiều biến động chính trị - xã hội ngày 9/8/1965 Singapore tuyên bố độc lập.
Là một hòn đảo giữa biển, muốn mở mang lãnh thổ, không có con đường nào khác là phải lấn biển, lấp biển, nới rộng đảo. Bằng các chương trình kêu gọi đầu tư có ý nghĩa chiến lược, chính phủ đã cho các công ty nước ngoài khai thác đất đồi, đất đáy biển, mua đất ở các nước lân cận đem về lấn biển, cải tạo đất, biến diện tích cả nước ban đầu chỉ 581,5 km2 (1960) nay nới rộng thành 716,1 km2 và dự tính sẽ tăng thêm khoảng 100 km2 nữa vào năm 2030. Chỉ tính riêng chương trình lấn biển cải tạo đất và phủ xanh thành phố, trong đó có mục tiêu chiến lược trồng 2 triệu cây mưa rơi hai bên đường phố, trong các công viên, các khu vực được bảo vệ (chiếm gần 70% cây xanh thành phố), cũng đáng để học tập. Cùng với kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, từng bước khắc phục nạn thất nghiệp và chống lạm phát, một chương trình nhà ở công cộng với qui mô lớn được thực hiện triệt để. 4/5 người dân sống trong căn hộ trợ cấp cao tầng hoặc công cộng, công chức thì sống trong những ngôi nhà công vụ, tùy theo cương vị xã hội. Ngay cả Thủ tướng Lý Quang Diệu, trước khi qua đời, đã để lại di chúc bảo người thân phải trả lại nhà công vụ cho nhà nước.
 
Gieo hạt “mưa rơi”
 Người ta nói, đất nước Singapore hình thoi, hình viên kim cương, nhưng dân gian coi đó là hình con cua, mà con cua màu xanh là cua sống, còn con cua màu đỏ là cua chết, nên mục tiêu chiến lược của vị Thủ tướng lập quốc là phủ xanh đất nước. Mở đầu là ngày 16/6/1963, Thủ tướng Lý Quang Diệu phát động chiến dịch trồng cây và tự tay cuốc đất để trồng một cây mưa rơi. Ở nước ta, loại cây này xuất hiện rải rác ở một số thành phố, như Hà Nội, Hội An, TP Hồ Chí Minh, An Giang,… Đặc biệt, ở những TP có lượng mưa thấp như Phan Rang (500mm), là nơi có thể coi việc trồng cây mưa rơi là mục tiêu chiến lược.
Từ năm 1971, Chính phủ Singapore chọn một ngày trong tuần đầu tiên của tháng 11 làm Ngày trồng cây toàn quốc. Thời điểm này là lúc bắt đầu mùa mưa ở Singapore, trồng cây lúc này sẽ tiết kiệm lượng nước tưới. Sự kiện này đầu tiên diễn ra ngày 7/11/1971. Ngày này thực sự là ngày hội của cả nước. Ông Lý Quang Diệu chưa từng vắng mặt bất kỳ ngày hội trồng cây nào trong suốt gần 50 năm qua. Ngày 2/11/2014, dù sức khỏe đã yếu, ông vẫn tham gia ngày hội trồng cây với toàn dân, và đó là ngày hội trồng cây cuối cùng ông tham gia. Ông được coi là một kiến trúc sư, một tổng công trình sư đã xây nên một đất nước Singapore mà quốc tế thường gọi một cách suy tôn là “Garden City” (thành phố vườn).
Bài, ảnh: Hương Giang