BSCK I Lê Thị Kim Chi kiểm tra sức khỏe ca bệnh SXH |
Có dấu hiệu bệnh, đi khám ngay
Trong số các địa bàn, TP. Huế có gần 600 ca bệnh. Gần đây, tình hình sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, tỷ lệ bệnh nhân (BN) điều trị tăng so với năm 2023. Bình quân mỗi tuần, Trung tâm y tế (TTYT) TP. Huế tiếp nhận 10 đến 15 trường hợp SXH. Các trường hợp vào viện được kiểm tra, xét nghiệm sớm và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Tại phòng điều trị Khoa Nội nhi - Truyền nhiễm TTYT TP. Huế, BN Tôn Thất D.H. (Thủy Biều) chuẩn bị xuất viện sau một tuần điều trị. Anh kể lại: “Mới sốt cao một ngày, người mình lả đi, chóng mặt, không thể di chuyển nên quyết định nhập viện. Vào đây, bác sĩ cho xét nghiệm thì dương tính với SXH. Giờ trên người vẫn còn ban ngứa, ê ẩm”.
Bảy ngày sau sốt mới đi viện, kết quả xét nghiệm tiểu cầu của nữ BN Lê T.B.Th. 37 tuổi (phường An Đông) vẫn thấp. Bác sĩ dặn dò chị Th. theo dõi các dấu hiệu về chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo… nhằm tránh bệnh diễn biến bất ngờ. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định chị chụp X quang bụng, siêu âm và làm xét nghiệm về sinh hóa… Chị Th. chia sẻ, do chủ quan và bận chăm con nhỏ nên ở nhà tự điều trị. Đến ngày thứ 8, thấy ăn uống kém, kiệt sức, chị Th. mới đi khám, xét nghiệm phát hiện SXH. “Nhà mình vườn rộng, nhiều cây cối, lại có nhiều vật chứa nên có thể là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Sau khi ra viện, mình sẽ chú ý hơn việc vệ sinh sạch sẽ, phát quang cây cối, bụi rậm”.
BSCK I Lê Thị Kim Chi, Phó Trưởng khoa Nội nhi Truyền nhiễm TTYT TP. Huế thông tin: “BN nhập viện đều có triệu chứng sốt cao, nhức mỏi toàn thân, đau đầu nhiều; có người đã nổi ban xuất huyết toàn thân. Đa số các trường hợp vào đây đã sốt vào ngày thứ tư, thứ năm của bệnh - giai đoạn cảnh báo nguy hiểm của SXH. SXH do virus, chúng tôi điều trị theo triệu chứng, hạ sốt, bù dịch, tăng sức đề kháng. Khi có các dấu hiệu của bệnh trong bối cảnh dịch đang bùng phát, người dân nên đến ngay cơ sở y tế sớm để được sàng lọc, vào viện theo dõi”.
Test nhanh chẩn đoán SXH với máy xét nghiệm huyết học tự động tại TTYT TP. Huế |
Ngày 14/8, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, 7 tháng đầu năm, đơn vị tiếp nhận 712 ca bệnh SXH ở ba cơ sở điều trị; trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 297 ca. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nặng xin về; bệnh nhi 1 tuổi ở Quảng Bình nhập viện muộn, sau khi vào Hồi sức tích cực – Cấp cứu Nhi, Trung tâm Nhi điều trị đã không qua khỏi.
Ngăn nguồn muỗi sinh sôi
Dịch SXH diễn biến khó lường, tại vùng cao A Lưới bắt đầu xuất hiện ca bệnh và có dấu hiệu lan ra các địa bàn sau 1 năm vắng bóng SXH. Với đặc thù địa hình, nhận thức người dân chưa cao, nguy cơ SXH ở vùng cao này sẽ gia tăng. Do đó, CDC tỉnh đã tổ chức lực lượng giám sát, hỗ trợ cho các trạm y tế cũng như TTYT huyện điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra chỉ số vec tơ… nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước áp lực số ca SXH tăng, theo BSCK I Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc TTYT TP. Huế, từ đầu năm, đơn vị đã triển khai công tác phòng chống các loại dịch bệnh, trong đó có SXH. Hai tuần vừa qua, TTYT TP. Huế đã làm văn bản tham mưu cho UBND TP. Huế triển khai công tác phòng chống dịch ở 36 phường xã; Ban Giám đốc TTYT TP. Huế đích thân làm trực tiếp với chính quyền các phường xã, đặc biệt các địa phương có số ca bệnh tăng cao như An Đông, Phước Vĩnh, Vỹ Dạ, Phú Hội, Gia Hội...
SXH lây truyền qua véc tơ truyền bệnh, vì vậy, ngăn chặn muỗi sinh sôi đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài xử lý ca bệnh, TTYT TP. Huế còn phối hợp tổ chức các chiến dịch thau vét bọ gậy lớn trên địa bàn 36 xã, phường... Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch còn khó khăn do địa bàn trải rộng, mật độ dân cư đông; ý thức thau vét bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết của người dân còn hạn chế.
Đoàn Thanh niên chung tay làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước đọng nơi muỗi dễ phát triển |
“Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, thau vét bọ gậy, mong người dân tích cực phối hợp với nhân viên y tế, chính quyền địa phương để hoạt động này triển khai tích cực, hiệu quả. Đang vào mùa mưa, không nên để các vật dụng lật ngửa bởi chúng sẽ gây ứ đọng nước, bọ gậy loăng quăng phát triển, số ca bệnh sẽ tăng lên. Cần khơi thông cống rãnh, kênh mương, kết hợp duy trì ngày “Chủ nhật xanh” đều đặn… làm giảm nguy cơ phát sinh nguồn bệnh”, BS Hoài Phương khuyến cáo.
Mới đây, trong cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm, BSCKII Hoàng Trọng Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, tiến hành điều tra, xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng và kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bùng phát trong cộng đồng.
Các chuyên gia cảnh báo, với biểu đồ diễn biến ca bệnh, tình hình SXH sẽ phức tạp trong thời gian tới. Dạng thời tiết nắng, mưa xen kẽ, đẩy yếu tố nguy cơ cao, dễ gây bùng phát dịch SXH. Ngành y tế lưu ý vệ sinh môi trường nhà cửa; chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể tăng cường tuyên truyền đa dạng về hình thức, cập nhật tin tức dịch bệnh thường xuyên; góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân; thực hiện các biện pháp phòng/chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng…