Bút laser và những dòng chữ cảnh báo ở bao bì

Để yên cho người lớn nói chuyện, tôi hét mấy nhóc lên xe, chở tới nhà sách L. cho mỗi đứa chọn mỗi món. Đứa máy bay, đứa chong chóng, đứa lại Đô-rê-mon… riêng có 2 đứa cháu thì cứ săm soi ở tủ kính, trong đó bày mấy cây bút laser. Thấy bọn nhóc tỏ ra khoái chí, cậu nhân viên phục vụ không bỏ lở thời cơ, lấy khóa mở tủ và thao thao giới thiệu với khách hàng nhí hết loại này đến loại khác, lại tận tình bày cả tính năng này tính năng khác. Bọn trẻ… duyệt. Hai đứa 2 cây và gọi tôi đến thanh toán. Đã định sẵn trong bụng là… chơi xả láng, đứa nào thích gì chiều nấy, vậy là tôi cứ thế mà trả tiền.

Khi về tới nhà, bọn trẻ lôi đồ chơi ra, 2 nhóc có bút laser lập tức lắp pin, bấm rọi lung tung xèng. Thấy thế, chú em tôi lập tức hoét: Dẹp. Đui mắt có ngày! Hóa ra, đã từng có cảnh báo không được cho trẻ con chơi bút laser bởi các cháu hay nghịch, dùng bút rọi vào mắt nhau gây tổn hại cho mắt, có thể dẫn đến mù lòa. Tôi ngượng nghịu, té ra mình lạc hậu và đuểng đoảng gớm. Cầm cái hộp đựng bút laser và tẩn mẩn đọc. Đúng là vậy. Nhà sản xuất đã lưu ý rõ ràng: Do not aim into eyes; Laser pointer can be harmful if uesd improperly (không được rọi vào mắt; dùng không đúng cách có thể gây tổn thương (cơ thể)…). Lại nữa, nhà sản xuất cũng đã khẳng định: Đây không phải là đồ chơi (This is not a toy). Tôi- khách hàng- đuểng đoảng đã đáng trách. Đáng trách hơn là người bán. Khi nhập hàng, chắc chắn họ phải biết rõ tính năng, tác dụng, những điều cần lưu ý của món hàng mà họ nhập về để bán. Vậy mà, biết bút laser không phải là một món đồ chơi, biết sự nguy hại của nó khi sử dụng không đúng cách… thế nhưng họ vẫn tận tình “tiếp thị” để bán bằng được món hàng “không phải đồ chơi” cho bọn trẻ. Nói như người Huế, đúng là... đoản!
Hiền An