Rất đông du khách đến xem, tìm hiểu các hiện vật/cổ vật tại trưng bày

Trưng bày giới thiệu gần 200 hiện vật, cổ vật về phật giáo, đồ gốm sứ đã được xác định có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 19 của Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng (đến từ Huế) và Lâm Dũ Xênh (đến từ Quảng Ngãi). Các hiện vật là các tượng phật, tượng các vị bồ tát; pháp khí (đồ thờ cúng phật giáo) với nhiều chất liệu quý như ngọc, ngà, bạc, đồng, gỗ trầm hương, đá… được chế tác tinh xảo dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa. Các tượng phật có xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Theo Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, hiện nay, trong các Bảo tàng của Việt Nam và trong các bộ sưu tập của tư nhân đang lưu giữ hàng ngàn cổ vật, mang dấu ấn phật giáo đến từ nhiều nền văn minh lớn trên thế giới. Hầu hết các di vật và cổ vật thuộc nhiều nền văn hoá này luôn được các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập trong nước và thế giới quan tâm và đánh giá cao. “Tổ chức trưng bày chuyên đề “Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn” nhằm giới thiệu đến khách tham quan một phần trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo của Việt Nam và các nước, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các cổ vật, góp phần làm nổi bật bức tranh sinh động, đa màu sắc của di sản văn hóa phật giáo của dân tộc, từ đó có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phật giáo”, Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bày tỏ.

“Dấu ấn Phật giáo trên cổ ngoạn” sẽ là địa chỉ không thể bỏ qua đối với những nhà nghiên cứu văn hóa, cổ vật, những bạn trẻ muốn hiểu thêm về lịch sử, sự phong phú của di sản và về phật giáo gắn liền với đời sống văn hóa của Việt Nam từ xưa đến nay.

Trưng bày mở cửa đến ngày 15/3/2025.

Tin, ảnh: LIÊN MINH