Chỉ cần nài và con dao nhỏ, người hái thu hoạch cau chỉ trong vài phút một cây |
Trèo nhanh, hái lẹ
Nhìn năm cây cau ở nhà vườn Kim Long (TP. Huế), chị Nguyễn Thị Loan, một người buôn cau từ Phong Điền ngả giá rồi móc chân vào nài, tay kẹp cây dao nhíp nhún từng nhịp lên cây. Thấy phụ nữ leo cau thuần thục, lại vin đọt từ cây này “bay” qua cây khác, đám con nít đang chơi đùa bên dưới tập trung vỗ tay reo hò. Mấy người đàn ông gần đó cũng kéo lại vừa xem vừa xuýt xoa.
Sau khi thanh toán tiền, chị Loan bẽn lẽn trước lời khen của chủ nhà: “Có chi mô anh. Nghề ni mẹ em truyền lại. Cũng chẳng giỏi giang chi mà vì kiếm miếng cơm manh áo nên phải thành thạo. Mền trèo được thì khỏi phải thuê người ta. Lấy công làm lời, nhờ rứa mà nuôi con ăn học trưởng thành”.
Khắp các tuyến đường, vùng quê mùa này, không khó để thấy những hội buôn cau lặn lội bán mua, vận chuyển. Giá cau hiện tại trên dưới 20.000 đồng/kg tùy loại. Ở một số trục đường lớn, các chủ lò sấy đặt điểm cân gom cau từ những người mua nhỏ lẻ. Vụ cau bắt đầu từ giữa tháng 6 đến tháng 12 và lai rai cho tới tết Nguyên đán. Người mua sẽ đi hái hai phiên sáng, chiều; ngày nào mưa sẽ nghỉ vì khó trèo cây do trơn trượt nguy hiểm.
Hai thanh niên mua cau ở Nam Đông |
Với miếng nài (dây thừng, bao bố, mo cau ngâm, dây chuối sứ… mềm xoắn lại) khoanh vào hai chân, người hái bám vào thân cây, nhún từng nhịp để trèo lên. Khi tiếp cận được buồng cau, người ta dùng con dao nhỏ đưa một nhát cắt quày cau ngọt lịm rồi thả lỏng hai chân, tụt xuống đất chỉ trong thoáng chốc. Nhờ cây cau có đặc tính dẻo nên từ cây này, người giàu kinh nghiệm có thể chuyền sang cây khác liên tục. Lúc này, quày cau được cài vào đùi, người hái dùng lực đu người cho đọt cau nghiêng rồi vin qua cây bên cạnh. Nhờ vậy, việc thu hoạch diễn ra nhanh hơn, tiện hơn, nhưng chỉ những người trèo cau thâm niên mới có thể thực hiện được thao tác này.
Vùng núi Nam Đông nơi trồng cau lớn nhất tỉnh có lẽ là nơi tập trung nhiều người buôn cau, hái cau. Tình cờ gặp anh Nguyễn Sỹ Tuấn cùng bạn mua cau một vườn nhà trên địa bàn, chúng tôi mới có cơ hội xem tận mắt tuyệt kỹ hái cau. Trẻ, khỏe, hai người vin cau di chuyển thoăn thoắt, lẹ làng; một cây chỉ hái trong vài phút.
Từ nhỏ theo chân ba mẹ thu mua cau, anh Tuấn dần có kinh nghiệm và chuyển sang làm chủ hơn 10 năm qua. Khi cau được giá, anh rủ bạn hợp sức làm cùng, hết mùa thì chuyển sang nghề cạo mủ cao su. Để đảm bảo chất lượng cau, hai người không dùng khèo hái. “Mỗi vụ cau phải lận lưng vài chục triệu làm vốn. Mỗi ngày hai anh em hái tầm 7-8 tạ quả. Thế nên phải trèo nhanh, hái lẹ mới đảm bảo năng suất cao”, anh Tuấn nói.
Tiền công hái cau được tính theo cân, theo cây hoặc theo ngày, nhiều nhất có thể được trả 200.000-300.000 đồng/công. Để đảm bảo năng suất và thời vụ, người trèo cau thuê bắt đầu làm việc từ sáng sớm, có khi làm gắng sang đầu giờ chiều mới nghỉ, ăn uống xong lại theo guồng công việc đến khi mặt trời tắt nắng. Nghề này vất vả vì phải đi xa, dùng sức đu trèo liên tục nên phần lớn chỉ có người trẻ bám trụ; khi sức khỏe không còn, sau một thời gian họ chuyển sang làm nghề khác.
Thăng, trầm
Người Huế đến nay vẫn còn truyền tai câu ca: “Ru em cho théc cho mùi/ Để mẹ đi chợ mua cau ăn trầu/ Mua cau chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”. Vùng quê Nam Phổ ngày trước nay là tổ dân phố Tây Trì Nhơn, Phú Thượng, TP. Huế. Thời gian làm đổi thay nhiều thứ, người làng làm nghề liên quan đến cau trầu thưa vắng dần, chỉ còn những ngôi nhà lâu năm sót lại hàng cau già làm cảnh quan. Vết tích lưu dấu rõ nhất cho sự thịnh hành của nghề buôn hái cau là ngôi miếu Can Lang do những người buôn cau khô lập ra (người dân còn gọi là miếu Cau Khô).
Người làng này hay hát câu ca dao “Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau”, cũng có một dị bản khác “Con gái Nam Phổ ở lỗ nhìn cau”. Dù có thay đổi động từ nào trong câu đi chăng nữa, hàm ý của nó vẫn nhắc đến vùng trồng cau Nam Phổ nức tiếng lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Phương, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố Tây Trì Nhơn, Phú Thượng nhớ lại: “Các cụ cao niên kể rằng ngày xưa làng này buôn cau nhiều lắm. Người ta thuê nhân công về bổ cau phơi khô rồi bảo quản trong mấy cái chum lớn, bán trong Nam, ngoài Bắc. Nhờ nghề cau khô, nhiều hộ khá giả hơn. Người ta lập ra Hội Cau khô quy tụ những lái cau trong tỉnh, xây miếu thờ tại Nam Phổ, ngày 3/3 âm lịch hàng năm tề tựu cúng tế”.
Trong vùng Tây Trì Nhơn, ông Nguyễn Ky là người có thâm niên gắn bó với nghề leo cau thuê ở vùng Nam Phổ xưa và nay. Năm 16 tuổi, ông Ky đi hái cau giùm cho mấy người quanh xóm. 20 tuổi, ông theo nghề leo cau và trở thành người làm chính cho mụ Đề - người buôn cau giàu có ở gần chợ Gia Lạc (Phú Thượng ngày nay).
Thuở ấy, mụ Đề buôn từ thành phố cho đến nhiều vùng làng quê ở Phú Vang, Quảng Điền… mỗi vụ bao mua khoảng 4.000 - 5.000 cây. Ông Ky đảm nhiệm việc leo hái. Một số phụ nữ tay nghề giỏi ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) được thuê lên bổ cau phơi khô. Mười mấy năm theo mụ Đề hái cau, hầu như ngày mô ông cũng đi làm bất kể mưa gió, lụt lội, sợ qua vụ cau tra khó bán. Mỗi ngày mụ Đề lo ăn ba bữa và trả công 200.000 đồng/ngày. Với mức thu nhập này hơn chục năm về trước, vợ ông Ky ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái, ông lo tiền học cho con và chi dùng cho gia đình thoải mái.
Theo nghề lâu năm, tay chân ông Ky cơ bắp cuồn cuộn, nhưng lòng bàn tay, bàn chân chai thành lớp dày. Tầm 10-15 ngày ông phải thay nài một lần do trèo cau nhiều. Việc đu từ cây này qua cây kia ông thuần thục như ăn cơm bữa. Thanh niên làng Nam Phổ kháo nhau rằng ông “bay” cau với tốc độ nhanh, chính xác chứ không phải lấy đà canh nhịp như người ta. Ấy vậy mà vẫn có lúc gặp vận rủi. Còn nhớ lần trèo cây cau bị mảnh bom vẹt qua thân chỉ còn một nửa ở Vinh Vệ, Phú Mỹ (Phú Vang). Lên tới đọt chưa kịp với tay hái quả thì gió thổi cong ngọn cây bất ngờ, ông rơi xuống đất từ độ cao hơn 5m. May mắn người không hề hấn gì, nhưng ông "được" một phen hú hồn. Từ đó mỗi lần lên cây, ông Ky ngó nghiêng, tính toán cẩn thận hơn.
Thời điểm ấy, ông Ky thuê thêm vài thanh niên trong làng đi theo phụ việc. Mỗi ngày, ông có thể thu hoạch 300 cây cau, khó có người vượt qua con số này và ông trở thành người hái cau nổi tiếng ở Nam Phổ từ đó. “Đứa mô giỏi lắm làm được ba ngày, còn không thì leo một ngày nhận tiền công rồi nghỉ luôn vì chịu không nổi”, ông Ky nhớ lại. Nay dù đã gác nài vì quá tuổi, song ký ức về nghề khi nhắc lại vẫn khiến ông Ky say sưa không ngừng.
Cháu rể ông Ky, anh Trần Văn Pháp ở Hương Xuân, Nam Đông trèo cau từ năm 19 tuổi nay chuyển sang nghề thợ xây vì thu nhập bấp bênh. Giờ tay cầm xẻng, cầm bay, anh Pháp phân trần: “Khi có vợ con, cần công việc ổn định phải đổi kế sinh nhai. Ngó vậy chứ nghề nớ hao mòn sức khỏe ghê lắm, leo trèo liên tục, cuối ngày về người mệt đọa. Hiểm nguy rình rập chứ không ngon ăn như người ta tưởng. Trên Nam Đông có vài người gặp tai nạn khi hái cau nằm viện hoặc tàn phế cả đời, trở thành gánh nặng cho gia đình”.
Lời anh Pháp khiến tôi nhớ đến câu chuyện của ông Nguyễn Phương khi cùng ra thăm miếu Can Lang: “Nhiều người nhờ nghề mà thành đạt vinh hiển, song cũng có người vì nghề mà tán gia bại sản. Như hai anh em cùng theo nghề này trong xóm, một người bỏ mạng, người còn lại liệt giường mấy chục nằm qua, thiệt cám cảnh không kể hết. Âu cũng là sinh nghề, tử nghiệp!".