Du khách quốc tế tham quan cầu Thê Húc tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trước đó vào cuối tháng 7 vừa qua, Công ty Tư vấn về dịch vụ khách sạn Savills Hotels lưu ý, xu hướng nói trên đã tăng tốc, đặc biệt là sau đại dịch. Nhiều khách sạn đang trong quá trình chuyển đổi hoặc nâng cấp thương hiệu. Đơn vị này dự báo, trong vòng 3 năm tới, 40% khách sạn tại Việt Nam sẽ liên kết với các thương hiệu quốc tế. Đây là mức tăng đáng kể so với mức 30% hiện tại; vào năm 2013, con số này ở mức dưới 25%.
Dữ liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch nước ngoài đạt hơn 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch trong nước tiếp tục mạnh mẽ, với 66,5 triệu lượt khách nội địa trong cùng kỳ.
Tầng lớp trung lưu đang phát triển của châu Á, cùng với thu nhập khả dụng cao hơn được cho là những động lực chính thúc đẩy các thương hiệu khách sạn và khu nghỉ dưỡng quốc tế mở rộng sang Đông Nam Á. Sự mở rộng này tập trung vào phục vụ thị trường du lịch sang trọng và phong cách sống.
Bà Alexandra Murray, Phó Chủ tịch khu vực và phụ trách Hilton Đông Nam Á nhận định: “Vị trí trung tâm của Việt Nam tại châu Á - Thái Bình Dương, cùng với khả năng kết nối ngày càng tăng với các quốc gia láng giềng, giúp đất nước có vị thế tốt để trở thành một điểm đến phổ biến trong những năm tới”.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Business Times, bà Alexandra Murray cho biết, Hilton đang trên đà tăng gấp đôi sự hiện diện tại Việt Nam trong vài năm tới, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường nguồn chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan (Trung Quốc).
Khó khăn về tỷ lệ lấp đầy
Mặc dù có những điều kiện thuận lợi, ngành khách sạn của Việt Nam vẫn tụt hậu về tỷ lệ lấp đầy, một phần là do sự phục hồi chậm chạp tại các thị trường chính là Nga và Trung Quốc, theo Savills Hotels. Thêm vào thách thức này là nguồn cung phòng khách sạn từ hạng trung bình đến hạng sang tăng gần 25% trong những năm gần đây; chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2024, đã có thêm 45.000 phòng được bổ sung.
Ông Ben Gray, Giám đốc phụ trách thị trường vốn tại Công ty Tư vấn bất động sản Knight Frank cho rằng: “Các thành phố ven biển Phú Quốc và Nha Trang đều phát triển nhanh chóng về lượng phòng khách sạn 5 sao và hiện đang trải qua thời kỳ rất khó khăn về tỷ lệ lấp đầy”.
Tuy nhiên, không giống như tình trạng cung vượt cầu ở các khu vực ven biển, những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội không gặp phải vấn đề này. Tại những trung tâm đô thị này, các khách sạn có thương hiệu quốc tế và được quản lý tốt vẫn tiếp tục đạt được hiệu suất mạnh mẽ.
Hướng đến khách hàng hạng sang
Trong năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu du khách trong nước, đồng thời hướng tới thu hút thêm 35% du khách nước ngoài so với năm ngoái, từ 17 - 18 triệu lượt khách nước ngoài. Công ty Quản lý đầu tư VinaCapital dự báo, sự phục hồi liên tục của lượng khách du lịch sẽ đóng góp thêm hơn một điểm phần trăm vào mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 của Việt Nam.
Qua đó, ông Ben Gray khuyến khích sự tập trung vào các điểm tham quan văn hóa độc đáo. Đồng tình với quan điểm này, bà Alexandra Murray cho biết, Việt Nam là một điểm đến lý tưởng đối với những du khách hạng sang nhờ vào di sản văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp như tranh vẽ và những đường bờ biển đầy lôi cuốn.
“Những du khách giàu có ngày nay đang ưu tiên trải nghiệm đích thực, có ý nghĩa và những mối liên hệ sâu sắc, hấp dẫn hơn với văn hóa và cộng đồng địa phương”, bà Alexandra Murray nói thêm; đồng thời cho rằng, vì những du khách này có xu hướng mạo hiểm vượt ra ngoài những điểm đến phổ biến, để khám phá những nơi ít người biết đến, bà đề xuất du lịch Việt Nam cần mở thêm nhiều chuyến bay thẳng, cũng như các tuyến du lịch giữa những điểm đến mới nổi của đất nước với các thị trường khác.
(Lược dịch từ The Business Times)