Các ngân hàng triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu |
Rủi ro cao
Tình hình kinh tế khó khăn gây áp lực không nhỏ lên hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, rõ ràng nhất là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua khá ì ạch. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng âm và chỉ từ tháng 5 đến nay tín dụng mới có dấu hiệu tăng trưởng, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp. Không những vậy, nợ xấu cũng đang khiến các tổ chức tín dụng “đau đầu”.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho thấy, trong 2 quý đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xử lý gần 462 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, trong đó 64% nợ xấu được thu hồi từ kênh khách hàng trả nợ, 15% nợ xấu xử lý bằng kênh sử dụng nguồn dự phòng rủi ro. Tính đến hết quý II/2024, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn ở mức 1.680 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,12%. Nợ xấu đã bán qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa thu được là 93,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ đã bán qua VAMC thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,23%. Ngoài ra, theo kết quả phân loại nợ, tổng nợ nhóm 2 cũng đang duy trì ở mức 1.031 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,38% trong tổng nợ, nguy cơ chuyển nhóm nợ khá thường trực.
So với cùng kỳ, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tăng đáng kể. Cụ thể trong 2 quý đầu năm 2023, nợ xấu trên địa bàn duy trì ở mức 945,3 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,27%. Nợ xấu đã bán qua VAMC chưa thu được là 357,1 tỷ đồng, nếu tính cả nợ xấu nội bảng và nợ đã bán qua VAMC thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,73%. Như vậy, so với cùng kỳ nợ xấu đang khá cao, tạo nên áp lực rất lớn cho hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thực tế, nợ xấu không chỉ là một chỉ số phản ánh rủi ro tín dụng, mà còn là thước đo cho thấy những khó khăn và rủi ro mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Điều đó cũng khá hợp lý khi hiện nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày một tăng và cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trên địa bàn là 582 doanh nghiệp, nhưng có đến 745 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Lý giải cho tình trạng này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu do "sức khỏe" của doanh nghiệp đang chịu tác động từ những vấn đề liên quan đến tình hình thế giới, lạm phát dẫn đến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Ngoài ra, việc giá xăng dầu biến động dẫn đến các chi phí vận tải tăng, lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Con số khảo sát của Cục Thống kê tỉnh cũng phần nào cho thấy tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không mấy khả quan, khi chỉ có 38,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định hoạt động của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tốt lên; số còn lại cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giữ ổn định hoặc tiếp tục khó khăn.
Ngoài lý do khách quan đến từ doanh nghiệp, thì quá trình thẩm định tín dụng chưa chặt chẽ, chưa đánh giá đúng khả năng trả nợ của khách hàng cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến nợ xấu tăng cao.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng |
Trước bối cảnh đó, ngoài các chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đang được Ngân hàng Nhà nước tỉnh quán triệt đến hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi và nhiều hoạt động hỗ trợ khác. Một trong những chính sách được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp lẫn ngân hàng trong “cuộc chiến” nợ xấu là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Chỉ tính đến hết quý II năm nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 456 lượt khách hàng, với tổng giá trị nợ gốc và lãi lũy kế được cơ cấu là gần 630,89 tỷ đồng. Tổng số dư nợ gốc và lãi của khách hàng được cơ cấu là 780,19 tỷ đồng. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ cho khách hàng.
Cùng với các chính sách liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, kiểm soát quá trình thẩm định tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án BOT.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu; tuân thủ nghiêm các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng dư nợ lớn, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.