Đưa các sản phẩm dược liệu chủ lực từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn ra thị trường lớn

Phát huy giá trị bản địa

Thừa Thiên Huế là nơi có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đa dạng, có đầy đủ các loại địa hình phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa của nhiều hệ động, thực vật. Nhờ đặc trưng khí hậu nhiệt đới chuyển tiếp giữa hai miền Bắc - Nam, Thừa Thiên Huế được ghi nhận là nơi hội tụ nhiều loài cây thuốc, trong đó, có nhiều loài có giá trị y tế và kinh tế cao với hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Hiện nay, tỉnh định hướng có khoảng 50 loài dược liệu có thể phát triển và tập trung đầu tư. Việc đầu tư phát triển dược liệu gắn với bảo tồn, du lịch và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên đặc hữu, quý hiếm; đồng thời, chú trọng tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: Cùng với tiềm năng về tài nguyên dược liệu bản địa lớn tại địa phương và nhu cầu chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên của người tiêu dùng ngày càng cao, hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu tại Thừa Thiên Huế mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, startup đẩy mạnh phát triển vùng trồng dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Từ đó, định hướng xây dựng, đầu tư các mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng gắn với nguồn tài nguyên dược liệu bản địa với đa dạng các dịch vụ như: Tắm thuốc, ngâm chân, xông hơi và các sản phẩm khởi nghiệp, quà tặng từ dược liệu.

Để góp phần tăng năng suất gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế dược liệu, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1622 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Việc phát huy tiềm năng bản địa các loài dược liệu cùng các chính sách hỗ trợ thiết thực đã kích cầu đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong lĩnh vực dược liệu trên địa bàn và có những tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt, tại các Cuộc thi KNĐMST tỉnh gần đây, nhiều dự án khởi nghiệp liên quan đến sản phẩm dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng mang tính hàng hóa cao từ nguồn nguyên liệu dược liệu bản địa đã được "trình làng", như các dòng sản phẩm từ sâm Bố Chính, tinh dầu tràm, bạc hà, tinh dầu và cao xoa bóp từ hạt cây màng tang, cao cà gai leo, trà túi lọc cà gai leo, sa nhân tím sấy thô...

Mở ra cơ hội khởi nghiệp từ tri thức bản địa

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư các chương trình, dự án, nhiệm vụ KH&CN để nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của địa phương, phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu trong chữa bệnh, đảm bảo chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao. Thông qua các dự án KH&CN đã đánh giá được thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu và đề xuất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây thuốc cho các tiểu vùng sinh thái khác nhau, cũng như xây dựng thành công danh mục 200 cây thuốc chữa bệnh theo tri thức bản địa. Nhiều loại dược liệu quý hiếm đã được phát hiện trên địa bàn qua khảo sát, đánh giá, thử nghiệm, nghiên cứu bằng các chương trình dự án KH&CN và đã được đưa vào trồng, nhân rộng. Một số sản phẩm dược liệu cũng đã ra đời và phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Tràm gió, thiên niên kiện, ba kích, sâm cau, tinh bột nghệ...

Từ những cơ sở dữ liệu, kết quả nghiên cứu, cộng thêm kinh nghiệm tri thức bản địa đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực dược liệu, với tổng vốn hơn 80 tỷ đồng. Đáng chú ý, dự án Trường Sơn Xanh được triển khai ưu tiên tại 7 huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và Hương Trà đã hướng dẫn người dân sống gần rừng, khu vực vùng đệm các khu bảo tồn tham gia trồng gần 470ha cây dược liệu với các giống cây bản địa tại địa phương, như: Ba kích, bồng bồng, bách bệnh, thiên niên kiện, tràm gió... Dự án Sida hỗ trợ các cộng đồng trồng 14ha gừng gió dưới tán rừng tự nhiên.

Song song, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thông qua các dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm như từ sâm Bố Chính, bạc hà và hương nhu trắng, ba kích tím, cây tràm gió...

Những giá trị tri thức bản địa về dược liệu là cơ sở thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, startup tham gia vào hệ sinh thái KNĐMST và là các đồng trưởng làng mạnh, chủ lực trong Làng Dược liệu sạch quốc gia. Đồng thời, mở ra triển vọng mới về phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG