Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực tại Tuần lễ ẩm thực Huế 2024 |
Quảng bá tinh hoa ẩm thực Huế
Với định hướng đưa TP. Huế trở thành một trong những thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực vào năm 2025, tháng 4/2024 UBND TP. Huế tổ chức “Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024” với sự tham gia của các tỉnh và thành phố lớn, như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Huế... Với quy mô hơn 70 gian hàng thương mại và ẩm thực, hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, hướng đến tổ chức thường niên để phục vụ người dân địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trương Đình Hạnh cho rằng, thông qua tuần lễ ẩm thực, tiếp tục khẳng định Huế là nơi lưu giữ những giá trị tinh túy của ẩm thực cung đình và dân gian. Đây cũng là một trong những nội dung góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung trọng tâm xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Sau thành công của Tuần lễ Ẩm thực, tháng 6/2024, trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Festival Huế 2024 tổ chức lễ hội ẩm thực chay với quy mô 36 gian hàng, 45 đơn vị tham gia, hơn 72 món ăn đến từ các khách sạn, nhà hàng danh tiếng và các chùa trong, ngoài tỉnh. Chỉ sau 2 đêm diễn ra, lễ hội đã thu hút hơn 2.000 người dân và du khách đến thưởng thức các món ăn chay, góp phần quảng bá và tôn vinh ẩm thực chay đến với người dân, du khách.
Theo Đại đức Thích Huệ Trọng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh, ẩm thực chay là phong cách ăn uống ngày càng trở nên phổ biến khi số người tham gia hưởng ứng ngày càng đông. Nhiều người lựa chọn ăn chay để cải thiện sức khỏe, bảo vệ môi trường và đối xử tốt với động vật. Thay vì sử dụng thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ động vật, người ăn chay tập trung vào các nguồn thực phẩm từ rau, củ, quả, đậu và các loại hạt. Chính những điều này đã tạo cho ẩm thực chay Huế một nét riêng đặc sắc, đây cũng chính là động lực để Huế phát triển lĩnh vực ẩm thực chay trong các kỳ lễ hội.
Tuần lễ ẩm thực Huế 2024 thu hút nhiều nghệ nhân ẩm thực Việt Nam tham gia |
Xứng tầm “Kinh đô ẩm thực”
Huế là địa phương được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng và thế mạnh tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực ẩm thực. Qua số liệu điều tra, Huế có 1.700 món ăn, thức uống, được chia 3 loại: Ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay cùng với nghệ thuật bày biện đẹp mắt và nghệ thuật thưởng thức tinh tế. Chính vì vậy, việc thành phố xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực là việc làm cần thiết trong tiến trình xây dựng “Huế - Kinh đô ẩm thực”.
Theo nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, việc Huế trở thành thành phố sáng tạo là một dự án dài hơi cho toàn xã hội, chứ không phải là một nhóm nhỏ. Vì vậy, tỉnh và thành phố nên có những biện pháp cam kết lâu dài, đảm bảo tính phát triển bền vững, nâng cao sinh kế cho người dân.
Để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực ẩm thực, UBND TP. Huế đã thành lập Tổ công tác xây dựng hồ sơ tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực; tổ chức xây dựng hồ sơ với các bước khảo sát, thu thập số liệu và mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài để xây dựng báo cáo đánh giá về lĩnh vực được lựa chọn (ẩm thực) và tư vấn xây dựng hồ sơ. Bên cạnh đó, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế và hoàn thiện hồ sơ, trong đó tổ chức 2 cuộc tọa đàm, 1 hội thảo chuyền đề và tổ chức 1 cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Huế - Hướng tới Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực”, nhằm lấy ý kiến góp ý cho các nội dung liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ.
Sắp tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông trong quá trình xây dựng hồ sơ, như: Tổ chức cuộc thi thiết kế logo hoặc mời đơn vị thiết kế bộ nhận diện “Huế - Thành phố sáng tạo UNESCO”; lập website để đăng tải các nội dung liên quan đến việc xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực ẩm thực”… Sau khi nộp hồ sơ, sẽ triển khai các hoạt động xuất bản các ấn phẩm, sách, phim tư liệu giới thiệu về tiềm năng TP. Huế trong lĩnh vực ẩm thực; tổ chức các không gian ẩm thực, các hoạt động trình diễn, chế biến món ăn dân gian và cung đình để góp phần quảng bá tiềm năng của Huế trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực.