Nhiều tuyến đường dân sinh băng qua đường sắt trên địa bàn TP. Huế cần sớm được khắc phục |
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe; trong đó, có cả những vụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Các vụ ném đất đá xảy ra nhiều ở các địa phương gồm: Khánh Hòa 18 vụ, Đồng Nai 15 vụ, Bình Định 8 vụ; Quảng Nam 8 vụ, Bình Thuận 5 vụ, Thừa Thiên Huế 5 vụ; Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận 4 vụ/địa phương.
Đối tượng gây ra các vụ ném đất đá lên tàu thường là thanh, thiếu niên, học sinh. Chính sự đùa nghịch của các em đã dẫn đến hành vi rất nguy hiểm và gây thiệt hại không nhỏ đến ngành đường sắt, ảnh hưởng đến hành khách trên các chuyến tàu.
Thời gian qua, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các em lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh đang sinh sống, học tập tại các trường học có tuyến đường sắt đi qua về những quy định, đảm bảo an toàn khi có tàu đi qua; trong đó, đặc biệt lưu ý hành vi ném đất đá lên tàu. Nhờ vậy, ý thức của người dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, các em học sinh đã được nâng lên rất nhiều. Thế nhưng, hành vi trên vẫn còn xảy ra trên một số tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn tỉnh.
Không chỉ ném đất đá lên tàu, tình trạng đường ngang, lối mở tự phát của người dân đã đe dọa nghiêm trọng đến hành lang an toàn đường sắt. Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm do người bị nạn thiếu quan sát khi băng qua đường sắt bằng đường ngang, lối mở tự phát.
Trước thực trạng này, ngành đường sắt đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an địa phương có tuyến đường sắt đi qua chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức trong mỗi người, mở các đợt ra quân dẹp bỏ những đoạn đường ngang, lối mở tự phát của người dân.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, địa phương đã rất tích cực trong việc phối hợp với ngành đường sắt đóng, xóa nhiều lối đi tự mở băng qua đường sắt. Đây là những “điểm đen” vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt qua địa bàn Phú Lộc.
“Việc đóng, xóa bỏ các lối đi tự mở tại các vị trí nguy hiểm đã góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường sắt, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt", Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Hải Đăng chia sẻ.
Không chỉ Phú Lộc, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh có tuyến đường sắt đi qua cũng đã chủ động, tích cực để đảm bảo an toàn khi tàu chạy, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến tàu hỏa.
Để an toàn cho những chuyến tàu Bắc – Nam qua lại trên địa bàn tỉnh, không còn những vụ tai nạn thương tâm từ đường sắt, không để xảy ra đau thương, mất mát cho mỗi gia đình, lo lắng của xã hội thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Trong đó, bên cạnh sự quan tâm đến hoàn thiện hạ tầng thì ý thức của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Hãy tuân thủ nghiêm Luật Đường sắt, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt; không tự ý mở các đường ngang, lối mở dân sinh… để những chuyến tàu được an toàn và bình yên.