Ngành hàng may mặc được bố trí ở địa điểm khác so với trước để phù hợp với TCVN 11856:2017 |
Sau hơn 7 tháng tạm dừng để thi công, sửa chữa khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 12/2023, hiện chợ Khe Tre đã hoạt động trở lại với gần 80 hộ kinh doanh hoạt động tại khu vực đình chợ phụ và đình chợ chính, kinh doanh các mặt hàng tươi sống, gia vị, lương thực, thực phẩm…
Cũng trong khoảng thời gian này, đã có đơn kiến nghị gửi đến Báo Thừa Thiên Huế với nội dung tại sao hàng áo quần và may mặc không được kinh doanh trở lại tại chợ Khe Tre mà phải dời đi nơi khác. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình buôn bán của nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này.
Trong đơn cũng nêu, trước đó, nhiều tiểu thương đã gửi kiến nghị lên chính quyền huyện nhưng không nhận được hồi đáp. Ở nhiều cuộc họp liên quan, một số tiểu thương yêu cầu bốc thăm để quyết định ngành hàng nào phải dời đi, ngành hàng nào ở lại nhưng cũng không được chấp thuận.
“Lý do xảy ra cháy chợ cũng không được công khai. Hỏa hoạn xuất phát từ lô thuộc hàng gia vị, vậy mà hàng áo quần phải đi với lý do mặt hàng này dễ cháy. Nếu không may bị cháy thì hàng nào cũng có nguy cơ chứ không riêng hàng may mặc”, đơn kiến nghị nêu.
Qua trao đổi, ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay, tháng 4/2024, UBND huyện đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng chợ tạm Khe Tre. Trong đó, các hạng mục thi công chợ tạm gồm: Đầu tư sửa chữa, cải tạo đình chợ phụ hiện trạng; xây dựng lại đình chợ chính với diện tích hơn 540m2 trên nền đình chợ chính sau khi phá dỡ; xây dựng mới một đình chợ tạm tại vị trí bến xe hiện trạng thuộc thị trấn Khe Tre, với diện tích khoảng 670m2. Ngoài ra, công trình còn được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC), chống sét, hệ thống cấp điện và các hạng mục phụ trợ khác đảm bảo yêu cầu sử dụng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn về yêu cầu an toàn PCCC, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9211:2012 Chợ - tiêu chuẩn thiết kế; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11856: 2017 - Chợ kinh doanh thực phẩm, đình chính chợ tạm sau khi đầu tư mới diện tích chỉ còn 532m2 (giảm 728m2 so với trước). Tương ứng, số lô còn lại 76 lô, giảm 69 lô/điểm kinh doanh so với trước. Vì vậy, phương án bố trí, sắp xếp sử dụng điểm kinh doanh là phải chuyển 69 lô/điểm kinh doanh về hoạt động tại khu vực mới (đình bến xe).
Theo ông Dương Thanh Phước, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11856:2017 yêu cầu, nguyên tắc bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh phải thuận lợi cho việc kinh doanh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Khu vực kinh doanh phi thực phẩm (quần áo, may mặc, hàng gia dụng…) phải bố trí tách biệt với các khu vực kinh doanh thực phẩm khác.
“Hàng vải, áo quần may mặc có số lô kinh doanh lớn (42 lô). Các lô bán mặt hàng này cần có diện tích lớn và phải bố trí cùng một khu vực để đảm bảo công bằng về lợi thế vị trí bán hàng, nên UBND huyện quyết định chọn phương án bố trí tập trung khu vực kinh doanh các mặt hàng này về khu vực mới (đình bến xe) và đây là phương án tối ưu”, ông Dương Thanh Phước cho hay.
Ông Dương Thanh Phước cũng thông tin, ngày 23/5, UBND huyện có nhận được tờ trình của nhóm tiểu thương kinh doanh mặt hàng áo quần, may mặc tại chợ Khe Tre. Nội dung mong muốn được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí lô kinh doanh tại vị trí đình chính chợ tạm (trước đây là đình chính chợ cũ), không muốn thay đổi, xáo trộn địa điểm kinh doanh. Sau khi nhận đơn của tiểu thương, ngày 7/6, UBND huyện đã có văn bản trả lời. Tiếp đó, ngày 17/6, lãnh đạo UBND huyện và các ngành có liên quan đã tổ chức buổi đối thoại với các hộ tiểu thương đó.
Liên quan đến nguyên nhân xảy ra vụ cháy chợ Khe Tre, kết luận ban đầu của cơ quan điều tra là do chập điện tại khu vực đình phụ, sau đó lan ra các khu vực xung quanh. “Sau khi có thông tin chính thức của cơ quan có thẩm quyền về nguyên nhân vụ cháy, UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan sẽ thông tin theo đúng quy định”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho hay.