Sau khi đi du lịch, nhiều bạn trẻ lên mạng để sang nhượng lại những món đồ tìm chủ mới

Cần gì cũng có

Trước khi đi du lịch Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thanh Dung (TP. Huế) lên một group (nhóm trên facebook) “Góc pass đồ du lịch” để đăng thông tin cần tìm đồ đi Đà Nẵng, tại Đà Nẵng càng tốt. Hơn 200 lượt bình luận trả lời chỉ trong vòng vài giờ, hình ảnh những món đồ, phù hợp với từng địa điểm ở Đà Nẵng xuất hiện để Dung lựa chọn. Nhanh tay chốt vài món đồ, Thanh Dung chia sẻ: “Cách làm này mang lại nhiều lợi ích, khỏi cần mang hành lý cồng kềnh lúc đi, lại chọn được đồ hợp với điểm đến và tiết kiệm chi phí, bởi có những món đồ, chỉ đi du lịch tại đó mới mặc được”.

Pass (sang nhượng) đồ cũ trở thành trào lưu trong giới trẻ. Với những người đi du lịch, có hẳn một cộng đồng mua bán, trao đổi đồ đi du lịch thông qua kênh mua bán, trao đổi những món đồ đã qua sử dụng. Chị Ngô Thanh Vân (26 tuổi) chia sẻ, nói là đồ cũ, nhưng các kênh pass đồ đi du lịch có rất nhiều điểm hay. Đồ thường chỉ vài sử dụng một vài lần, còn khá mới, lại phù hợp với nhu cầu mặc 1-2 lần để chụp ảnh ở một điểm du lịch.

Theo nhiều bạn trẻ, một bộ quần áo có thể mặc được đôi ba lần là chán, hay lỡ mua online về vì quá thích nhưng mang lại không vừa. Bỏ đi thì lại quá phung phí, mà giữ lại thì chẳng làm được gì, lại càng thêm chật chỗ nên cách tốt nhất là đưa đến các cộng đồng mua bán, trao đổi đồ cũ. Các kênh pass đồ du lịch trên mạng xã hội từ đó có tất tần tật những món đồ du lịch từ quần áo, mũ nón, túi xách, phụ kiện... Những món đồ phù hợp đôi khi khó kiếm ở chợ, các shop quần áo, nhưng lại dễ bắt gặp tại các kênh pass đồ đi du lịch, do ở đây như một nơi gặp gỡ của những người chung đam mê. Điểm đặc biệt, do là đồ đã qua sử dụng nên giá sản phẩm thường chỉ chiếm 30 - 60% so với đồ mới, mặc dù độ mới vẫn còn lên tới khoảng 90%. Thậm chí, có những món đồ còn nguyên tem, do trước đó người mua về nhưng bỏ lỡ cơ hội đi du lịch.

Chị Vân kể, vòng đời của quần áo dường như được kéo dài hơn thông qua góc pass đồ. Một chiếc váy kèm phụ kiện có thể dưới 200.000 đồng, nhưng được luân chuyển qua nhiều người. Chỉ cần người mặc gìn giữ, không làm hỏng hay cũ đồ, khi đi du lịch về vẫn có thể pass lại cho người sau có nhu cầu. “Nói là rẻ như đi thuê nhưng thực ra là rẻ hơn, vì nhiều lúc mua từ kênh pass đồ sử dụng xong lại sang nhượng tiếp cho người khác”, chị Vân đánh giá.

Sôi nổi những phiên chợ online

Vào mùa hè, nhu cầu đi du lịch tăng cao, nhiều kênh mua bán, trao đổi những món đồ cũ đi du lịch xuất hiện và được ví như những phiên chợ online tấp nập kẻ bán, người mua. Cùng với chủ nhân các món đồ, một số shop thời gian cũng có mặt để rao bán các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu săn lùng đồ đi du lịch giá rẻ.

Bên cạnh các kênh pass đồ đi du lịch, còn có các cộng đồng thanh lý đồ đi biển, mua bán trao đổi đồ phượt du lịch… Có những group lên đến 140.000 người tham gia, với hàng chục bài viết đăng thông tin trao đổi, mua bán đồ đi du lịch mỗi ngày. Từ những dòng status đơn giản của người bán hay người mua, giới trẻ lại “họp chợ” online để cùng nhau mua bán những món đồ. Do những cộng đồng trên mạng này tụ hội các bạn trẻ thích săn những món đồ mới để thỏa mãn nhu cầu bản thân nên họ dễ dàng trao đổi cùng nhau để sang nhượng, tìm chủ mới cho món đồ.

Từ hoạt động trao đổi, mua bán, pass đồ đi du lịch, nhiều group còn kết nối thành viên, người bán tư vấn cho người mua về lựa chọn thời trang, điểm chụp ảnh, góc chụp tại các điểm du lịch. Dần dần, họ trở thành những người quen biết nhau thông qua sở thích chung là đi du lịch và pass đồ sau mỗi chuyến đi khi hợp gu nhau.

Qua những phiên chợ đồ cũ, nhiều bạn trẻ cũng muốn lan tỏa lối sống xanh. Theo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, một bạn trẻ trong cộng đồng pass đồ đi du lịch thì quần áo là nhu cầu thiết yếu của con người, song tình trạng sử dụng bừa bãi, thải bỏ nhanh chóng các bộ quần áo cũ ra môi trường đã gây ô nhiễm đối với tự nhiên. Do đó, những món đồ chỉ dùng một vài lần để đi du lịch nếu biết cách trao đổi, sang nhượng sẽ giúp kéo dài vòng đời của quần áo bằng việc xử lý đúng cách thay vì đốt, chôn lấp.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC