Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao vốn phát triển sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại tỉnh Thừa Thiên Huế |
Vốn được sinh ra khỏe mạnh, chưa bao giờ anh Lê Văn Minh (trú tại xã Bình Tiến, TX. Hương Trà) nghĩ lằn ranh giữa sự sống và cái chết do tai nạn bom mìn lại “tìm” đến mình. Hơn 20 năm trôi qua, ký ức kinh hoàng của ngày hôm đó vẫn không khỏi khiến anh lo sợ khi nhớ lại. Anh kể: “Năm đó tôi mới 12 tuổi. Kinh tế gia đình eo hẹp nên tôi thường đi theo phụ mẹ nhổ cỏ, bón phân. Ai ngờ chỉ một giây sơ sẩy khi làm vườn, tôi bị hất văng, tỉnh lại mới biết bản thân bị tai nạn bom mìn, cánh tay bị thương nặng”.
Sau điều trị, dù đã hồi phục phần nào nhưng thương tật ở cánh tay và di chứng từ tai nạn đã khiến sức khỏe của anh Minh suy giảm, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và khả năng lao động. Tuy thế, anh vẫn luôn nỗ lực vươn lên và ý thức rất rõ về hậu quả do tai nạn bom mìn gây ra. Anh chia sẻ: “So với nhiều người không may bị tai nạn bom mìn, tôi đã may mắn hơn vì không bị mất chi, mất thị lực, thậm chí có người còn mất mạng. Vì thế tôi luôn tự nhủ phải cố gắng để vươn lên, đồng thời dạy cho ba người con của mình cách bảo vệ bản thân, cầm nắm hay sờ mó những vật lạ, nghi là bom mìn để không bị tổn thương như tôi”.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thống kê năm 2023 cho thấy có đến 34% diện tích toàn tỉnh vẫn còn bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ. A Lưới là địa phương có tỷ lệ ô nhiễm cao. Dù công tác rà phá bom mìn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bom mìn luôn được quan tâm, nhưng với hàng trăm tấn bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, những tai nạn thương tâm vẫn xảy ra, để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, thân thể cho nhiều gia đình.
Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh ra đời góp phần hoàn thiện mạng lưới hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn trên cả nước một cách hiệu quả. Từ đó, tiến thêm một bước trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục hậu quả do tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra.
Ông Đinh Mẫn, Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh cho biết: “Sau khi thành lập, ưu tiên trước hết của Chi hội là thống kê sơ bộ nạn nhân bom mìn, hình thành dữ liệu và có cái nhìn tổng quát để đồng hành, hỗ trợ nạn nhân bom mìn trên địa bàn một cách sát sao. Song song với đó, chúng tôi sẽ dồn lực vào công tác phát triển sinh kế cho nạn nhân bom mìn, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân”.
Tháng 9 tới đây, Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh sẽ hỗ trợ quà cho nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn huyện A Lưới. Đây là hoạt động đầu tiên đánh dấu sự đồng hành và chung tay của Chi hội, góp phần giảm thiểu hậu quả do tai nạn bom mìn gây ra, xoa dịu nỗi đau bom mìn cho những người không may bị nạn. “Thông qua hoạt động rà soát, chúng tôi sẽ vận động kết nạp thêm hội viên. Từ đó gia tăng tiềm lực, củng cố và tăng cường hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, đồng hành và hỗ trợ nạn nhân không may gặp tai nạn bom mìn”, ông Đinh Mẫn nói.