Nhiều dòng sản phẩm dược liệu ra đời từ khởi nghiệp phục vụ nhu cầu chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp 

Mắt xích từ đổi mới sáng tạo mở

Trên các diễn đàn liên quan, nhiều ý kiến cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho chuỗi giá trị dược liệu. Đặc biệt, KNĐMST mở giúp thúc đẩy kết quả nghiên cứu ra thị trường. Thừa Thiên Huế được xem là những điểm sáng trong bức tranh đổi mới sáng tạo hiện nay, khi tỉnh vinh dự đạt danh hiệu "Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021"; Giải thưởng "Thành phố hấp dẫn KNĐMST năm 2022". Song song với đó là chuỗi các hoạt động ký kết giữa tỉnh với Bộ KH&CN, các Làng Công nghệ quốc gia, các tổ chức khởi nghiệp trong hợp tác, xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi và tiềm năng rất lớn để phát triển, thúc đẩy các hoạt động KNĐMST. Riêng về cơ chế chính sách, có 1 Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của miền Trung và của cả nước được Tỉnh ủy ban hành; 2 Nghị quyết quan trọng của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quyết định số 1938 của UBND tỉnh về Phê duyệt Đề án Cố đô khởi nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay có thể khẳng định rằng, hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp đã có đầy đủ những điều kiện cơ sở pháp lý để ngày càng phát triển và hoàn thiện.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, nhằm khơi dậy và phát triển hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp đi vào chiều sâu, tỉnh đã nỗ lực "chuyển mình" trong công cuộc xây dựng mạng lưới hệ sinh thái KNĐMST mở. "Mở" trong sự kiến tạo môi trường để phục vụ doanh nghiệp khởi nghiệp; "mở" để thu hút nguồn lực không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn thu hút cả nguồn lực ở ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế; "mở" để  mở rộng hơn nữa các đối tượng khởi nghiệp không chỉ các doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh mà còn thu hút các đối tác có năng lực, mong muốn đồng hành đến Huế để khởi nghiệp, để lan tỏa, phát triển hệ sinh thái KNĐMST của Huế, đưa hệ sinh thái KNĐMST trở thành một phần động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giám đốc Sở KH&CN cũng nhấn mạnh, để tận dụng tốt cơ chế và phát triển kinh tế dược liệu trên địa bàn cần sự kết nối giữa các startup, các nhà khoa học, viện, trường và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kết nối được các đối tác có nguồn lực, nhà đầu tư, trưởng làng công nghệ, các startup đến cung cấp các giải pháp, tài chính để tham gia đầu tư phát triển dược liệu tại địa phương sẽ góp phần phát huy, khai thác được các "ngách" tiềm năng, thế mạnh cho ngành dược liệu.

"Dìu" nhau phát triển

Tại một diễn đàn gần đây, TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, Trưởng làng Dược liệu sạch quốc gia đánh giá cao về sự chủ động, KNĐMST và bắt tay liên kết đầu tư về phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó TS.BS Thanh Hương có nhắc đến một số đơn vị, như: Công Thành với sự đầu tư từ cây con giống, vùng trồng đến quy trình chiết xuất các loại tinh dầu mang thương hiệu NEO để cung ứng cho thị trường. Sâm Bố Chính Hoàng Gia với nhóm các sản phẩm làm từ sâm Bố Chính đã mở ra cơ hội chuyển đổi kinh tế cho người dân vùng cao A Lưới và người tiêu dùng khi được đón nhận nhiều sản phẩm mới, chất lượng. Hay Bạch Mã Herbals khởi nghiệp với tinh dầu, cao xoa bóp từ cây màng tang. Hương Cát với sâm cau đang được trồng ở vùng cát Quảng Điền để cung ứng nguồn nguyên liệu làm thuốc...

Gần đây, Thừa Thiên Huế đang làm tốt và có nhiều giải pháp, hoạt động thể hiện rõ nét thúc đẩy KNĐMST mở. Chính quyền, ngành KH&CN, doanh nghiệp đã có định hình về chiến lược thị trường, về vùng nguyên liệu dược liệu, tiêu chuẩn sản phẩm. Không ít doanh nghiệp, nhà khoa học đã liên kết đầu tư công nghệ cho chế biến dược liệu, nhất là công nghệ chiết xuất. Ngoài những sản phẩm đã có tên tuổi, vừa qua, Sở KH&CN và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại LaSan đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị dược liệu và chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh. Một số thành phần kinh tế đã liên kết theo mô hình doanh nghiệp/HTX từ việc cung ứng giống, trồng, chăm sóc, bao tiêu đầu ra nguyên liệu đến khâu sản xuất, chế biến... Đơn cử các mô hình liên kết giữa Công ty Liên Minh Xanh và HTX Dược liệu Thông Xanh; Công ty TNHH Sâm Bố Chính Hoàng Gia và các HTX Dược liệu Hồng Bắc, Quảng Nhâm (A Lưới)...

Từ chuỗi liên kết kết hợp thúc đẩy KNĐMST đã hình thành một hệ sinh thái dược liệu ở Thừa Thiên Huế, góp phần làm mạnh thêm đội ngũ đồng Trưởng làng Dược liệu sạch quốc gia. Hơn nữa, đây còn là lợi thế, cơ hội để tỉnh tiếp tục tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển ngành dược liệu của địa phương.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN