Ông Nguyễn Văn Năm chia sẻ kinh nghiệm của mình với người dân. Ảnh: Đoàn phường Hương xuân 

Năng động

Những ngày cuối mùa hè, vườn ổi của CCB Nguyễn Văn Năm ở khu dân cư Xuân Tháp, phường Hương Xuân, TX. Hương Trà đón nhiều thương lái đến mua hàng bỏ mối cho các chợ. Ông Năm do vậy mà bận bịu ngay từ sáng sớm. Thu hoạch quả, bón phân, tưới nước, rồi bọc nilon để tránh sâu bệnh cho quả… khiến ông chẳng thể ngơi tay. Đến gần trưa, ông mới nghỉ ngơi bên hiên nhà. Nhấp ngụm nước chè, ông kể: “Khu vườn này rộng khoảng hơn 1ha. Trước đây, tôi và gia đình sử dụng mảnh đất này để trồng lúa, tuy nhiên, sản lượng ít, không mang lại nhiều giá trị kinh tế. May mắn, tôi được giới thiệu tham gia Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP do UBND phường thành lập. Nhờ biết cách chăm sóc ổi nên kinh tế gia đình được cải thiện".

“Khi cải tạo ruộng lúa thành vườn ổi, tôi phải vay vốn để đầu tư giống cây trồng, tham gia những lớp tập huấn về mô hình trồng ổi VietGAP, qua đó nắm chắc những yêu cầu kỹ thuật trong việc chăm sóc cây”, ông Năm chia sẻ thêm.

Theo thống kê, phường Hương Xuân hiện có khoảng 28 hộ gia đình tham gia Tổ hợp tác sản xuất ổi VietGAP với tổng diện tích khoảng 35ha, đạt giá trị kinh tế khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Tương tự ông Năm, CCB Hồ Đăng Minh tại phường Hương Vân, TX. Hương Trà cũng chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả để tăng năng suất và sản lượng, qua đó cải thiện kinh tế cho gia đình. “Từ chiến trường biên giới phía Bắc trở về năm 1986, cuộc sống của tôi và gia đình lúc đó gặp nhiều khó khăn. Do vậy, tôi quyết định tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bằng sức lao động của mình”, ông Minh cho biết.

Ông Minh đã tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ năng sản xuất, những buổi hội thảo, chia sẻ của chuyên gia do Hội Doanh nhân - Chủ trang trại CCB tỉnh tổ chức, từ đó ông bắt đầu chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang trồng thanh trà. Hiện tại, ông canh tác xen ghép giữa chuối tiêu và thanh trà trên diện tích khoảng 1ha, đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 250 – 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Minh cũng thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm và hỗ trợ bà con xóm giềng cùng nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhờ thành tích đóng góp của mình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, nhiều năm liền, gia đình ông Minh được khen thưởng là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững của phường Hương Vân.

Mô hình vườn - ao - chuồng trên vùng đất bạc màu

Người dân ở thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền ai cũng biết đến trang trại của CCB Nguyễn Hùng. "Trang trại của ông Hùng đầu tư có hiệu quả và đạt giá trị kinh tế cao nhất nhờ nuôi trồng khá đa dạng các sản phẩm nông nghiệp sạch", ông Nguyễn Viết Hiếu, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Phong thu cho biết.

Trước đây, CCB Nguyễn Hùng là lính phòng không ở Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1984, sau khi xuất ngũ, ông về làm việc tại xã, nhưng nhà có 5 người con, đồng lương không đủ để trang trải nên ông mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư lập trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng ở vùng đồi hoang của thôn.

“Quá trình cải tạo, trước hết tôi ngăn đập, dọn lòng hồ để giữ nước tưới cho cây trồng và làm ao nuôi cá các loại như trắm, mè, rô phi... Tiếp đó, tôi đầu tư trồng 3ha rừng tràm để phòng hộ, che chắn cho vườn cây ăn quả. Đồng thời, tôi xây dựng chuồng trại để nuôi gà và lợn, rồi sử dụng hơn 2ha vườn trồng xen kẽ các loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng như thanh trà, bưởi da xanh, cam, ổi, chuối, chanh, mía… để dễ tiêu thụ”, ông Hùng kể. Hiện trang trại của ông Hùng phát triển ổn định, cho thu nhập mỗi năm khoảng 250 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, cuộc sống của những người lính còn nhiều khó khăn. Song họ không cam chịu đói nghèo, đã suy nghĩ, tìm tòi, khai thác thế mạnh và lao động cật lực để làm kinh tế; đồng thời, nuôi dạy con cái noi gương cha mẹ lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đó là những tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ sau noi theo.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH