Nắng nóng đang "tàn phá" người dân nghèo. Ảnh minh họa: Ngaynay.vn/Báo Lao động |
Trong lời kêu gọi giới truyền thông và chính quyền các nước tăng cường chú ý vào những mối nguy hiểm này, nhà phân tích Friederike Otto nhấn mạnh tình trạng oi bức được ví như “một kẻ giết người thầm lặng” nhắm vào những người sống trong các nền kinh tế yếu nhất. Cụ thể, sóng nhiệt là loại thời tiết cực đoan gây chết người nhiều nhất, nhưng chúng lại không để lại dấu vết của sự hủy diệt. Sóng nhiệt gây khó khăn kinh hoàng đến những người nghèo đang làm việc ngoài trời ở các nước đang phát triển.
Tháng trước, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã công bố lời kêu gọi hành động về tình trạng nhiệt độ cực cao, tập trung vào việc tăng cường chăm sóc những người dễ bị tổn thương và bảo vệ những người lao động chịu ảnh hưởng bởi mức nhiệt quá nóng.
“Nhiệt độ cực đoan đang ngày càng tàn phá nền kinh tế, làm gia tăng bất bình đẳng, làm suy yếu các mục tiêu bền vững và cướp đi mạng sống của con người. Theo ước tính, mỗi năm có gần nửa triệu người tử vong vì nắng nóng, con số này gấp khoảng 30 lần so với những gì bão nhiệt đới gây ra”, ông Antonio Guterres chia sẻ.
Mọi lời cảnh báo và kêu gọi đều đưa ra sau 3 ngày nóng nhất thế giới được ghi nhận là ngày 21-22-23/7. Từ khi được ghi nhận vào năm 1940, vượt qua các đỉnh nhiệt trước đây, dựa vào vòng cây và lõi băng, các nhà khí hậu học cho rằng đây có lẽ là mức nhiệt cao nhất trên Trái đất trong khoảng 120.000 năm. Tính đến tháng 7/2024, Trái đất đã liên tiếp lập 13 kỷ lục nhiệt độ hàng tháng, chủ yếu là do con người đốt rừng, khí đốt, dầu và than.
Về ảnh hưởng, số liệu chính xác về các trường hợp tử vong do những điều kiện khí hậu khắc nghiệt này có thể không bao giờ được tính toán, nhưng chắc chắn các nhóm thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này được thể hiện rõ nhất khi những người tránh nắng trong những ngôi nhà có máy lạnh, xe có máy lạnh, các phòng làm việc có điều hòa, nhà hàng hay trung tâm mua sắm có máy lạnh.
Cùng với đó, tử vong do nắng nóng cũng được định hình bởi bất bình đẳng vì nhiệt độ gây ra. Cụ thể, một đợt nắng nóng có thể cướp đi nhiều sinh mạng của những người sống trong nhà bằng tôn hơn người sống trong nhà có điều hòa.
Trong những thập kỷ tới, số ca tử vong do căng thẳng nhiệt độ được dự báo sẽ tăng mạnh ở các quốc gia thu nhập thấp. Tuy nhiên, những người tử vong do nhiệt lại không phải là nguyên nhân chính làm nhiệt độ tăng. 1% người giàu nhất thải ra hơn 2/3 tổng lượng khí thải của thế giới, chỉ riêng lượng khí thải Carbon của họ trong năm 2019 cũng đủ để gây ra cái chết liên quan đến nhiệt của 1,3 triệu người.
Các nghiên cứu của World Weather Attribution phát hiện, do biến đổi khí hậu, sóng nhiệt đã nóng hơn đến 2,5oC. Những người xin tị nạn sẽ là những nạn nhân chịu tác động trực tiếp nhất của nền nhiệt khắc nghiệt.
Ở các nước kém phát triển, chính quyền thường không có phương tiện để thu thập dữ liệu hoặc điều tra các trường hợp tử vong. Điều này đặc biệt đúng ở các khu vực xung đột, chẳng hạn như Afghanistan, Mali, Sudan, Somalia và Cộng hòa Trung Phi.
Để giải quyết vấn nạn nhức nhối này, ngày càng có nhiều quốc gia hành động để bảo vệ người lao động khỏi nhiệt bằng cách ban hành luật mới. Đơn cử, ở Armenia, chính phủ đang xem xét lời kêu gọi cấp chế độ nghỉ ngơi đặc biệt khi nhiệt độ vượt quá 40oC.
Tùy thuộc vào mức độ công việc nặng nhọc, một số quốc gia đặt ra các giới hạn khác nhau. Ở Bỉ, giới hạn dao động từ 29oC đối với công việc chân tay nhẹ và 18oC đối với công việc rất nặng nhọc. Để so sánh, ở Hungary, ngưỡng dao động là từ 27oC đến 31oC…
Tiến sĩ Halshka Graczyk, chuyên gia kỹ thuật về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, có bằng chứng cho thấy nền nhiệt cứ tăng thêm 1 độ, năng suất lại giảm rõ rệt.
Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề, chuyên gia Friederike Otto kêu gọi toàn cầu tăng cường hành động đối với cuộc khủng hoảng chưa được hiểu rõ này. “Chúng ta không biết có bao nhiêu người tử vong do nhiệt độ cực cao ở các nước nghèo. Có một nhu cầu rất lớn là phải báo cáo về những mối nguy hiểm này, phải cập nhật liên tục và không được bỏ sót”.