Các trường hợp cai nghiện ma túy học nghề may |
Về ở xóm mới gần 10 năm tại phường phía tây trung tâm TP. Huế, tôi vui vì thấy mọi người xung quanh mình đang sống vui vẻ, gần gũi, thân thiện. Bỗng nhiên gần đây, tôi có cảm thấy ngại, vì mỗi khi dắt xe đi làm lại gặp một hai thanh niên mặt mày đen sạm, chân tay xăm trổ... lang thang khu vực nhà mình. Thỉnh thoảng trưa nắng, mấy bạn này lại ngồi bệt dưới bóng cây, bên lề đường… hễ ai ngang qua, nếu quen thì xin vài nghìn đồng, không quen thì ngước mặt nhìn như chào xã giao…
Thực lòng là khi hình ảnh trên thường xuyên xuất hiện trước mắt tôi bỗng lo, vì qua thăm hỏi thông tin từ những người hàng xóm biết các bạn là những con nghiện mà gia đình đã hết cách giáo dưỡng. Trong các trường hợp này, có bạn ở cách xóm tôi chừng 300m, mọi người thường gọi “cu trắng”. Bạn này vốn ngoan hiền, học hành tử tế lại là con đầu của cô chú vốn cán bộ nhà nước. Không hiểu sao khi bạn vào cấp 3 thì trượt ngã cùng ma túy. Gần đây, gia đình đã “hết chịu nổi”, bởi trong nhà chẳng còn thứ gì ngoài mấy bức tường xây. Bản thân bạn thường lên cơn bấn loạn, vật vã vì “thiếu thuốc”, rồi lang thang quanh xóm ai cho gì ăn nấy…
Bóng ma của ma túy đang len lỏi vào nhiều gia đình, với mức độ khủng hoảng cả vật chất và tinh thần quá nặng nề. Không ít gia đình phải âm thầm chịu đựng như gia đình ở cạnh xóm tôi để có thể giữ được “con bệnh”. Nhiều góc phố hay khu dân cư bây giờ không khó bắt gặp hình ảnh sử dụng ma túy trái phép, kèm nguy cơ “bệnh tâm thần” sau khi sử dụng. Đây là những trường hợp cần có giải pháp ngăn chặn, cũng như chăm sóc cai nghiện đặc biệt.
Mới đây, ghé thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), lãnh đạo đơn vị này cho biết, hiện đang tiếp nhận quản lý 58 học viên cai nghiện ma túy bắt buộc. Việc cai nghiện ở đây có nhiều phương pháp hữu ích như được lao động, học nghề may, làm hương, đan lát… Nhưng bên cạnh vẫn còn nhiều trường hợp phải chăm sóc ở khu đặc biệt vì còn ảo giác, ngáo đá, hoang tưởng, vui buồn vô cớ. Cũng có trường hợp vào ra trung tâm này 4-5 lần, nhưng vẫn chưa dứt được cơn nghiện… Lãnh đạo trung tâm này chia sẻ, qua điều tra, số người nghiện trong cộng đồng tại địa phương vẫn còn nhiều nhưng chưa thể kiểm soát được.
Cơ quan chức năng cũng nhận định, tình hình sử dụng, buôn bán ma túy trái phép ngày một phức tạp, tinh vi hơn, nhất là đối tượng sử dụng được trẻ hóa, thậm chí là học sinh bị dụ dỗ với nhiều chủng loại chất kích thích, gây nghiện dạng ma túy. Mục đích của việc dụ dỗ nhằm muốn có thêm “bạn nghiện”, lập phe nhóm cùng sở thích để trao đổi, sử dụng, buôn bán ma túy.
Với những mối nguy về ma túy, hiện nay cộng đồng đã thấy xuất hiện nhiều hơn người bị bệnh tâm thần lang thang. Trên tuyến đường tôi qua mỗi ngày, lâu nay đã quen mặt với vài người tâm thần khởi nguồn từ việc sử dụng tiêm chích ma túy, thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái ảo giác, loạn thần “vung tay, múa võ”, chửi bới. Nhớ lại vụ việc đau buồn vào dịp đầu năm nay, một người "loạn thần" đâm tử vong Đại úy Trần Duy Hùng, Phó Công an phường Thủy Vân (TP. Huế) khi đang làm nhiệm vụ đã gợi lên bao nỗi bất an về những người “ảo giác” ma túy lang thang trong cộng đồng.
Hàng năm, lực lượng chức năng địa phương mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, lập “phòng tuyến” ngăn ngừa ma túy từ xa…, nhưng xem ra chỉ mới với tới "bề nổi của tảng băng chìm".
Quyết tâm của các ban, ngành, lực lượng chức năng đã có. Từ việc quản lý, ngăn chặn buôn bán, hút chích đến cai nghiện, chữa trị ở các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện tâm thần… nhưng cuộc chiến với ma túy còn đầy cam go chưa đến hồi kết. Vấn đề này cần phải tiếp tục chung tay của toàn xã hội, mà hiệu quả nhất là tập trung phối hợp ngăn chặn ngay khi nó mới manh nha.