Lãnh đạo TP. Huế trao bức trướng với dòng chữ "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển" cho BQL và tiểu thương chợ Đông Ba |
Tham dự có nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định; TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương; lãnh đạo TP. Huế và các sở, ban ngành; lãnh đạo BQL các chợ trong và ngoài tỉnh qua các thời kỳ cùng bà con tiểu thương chợ Đông Ba.
Chợ Đông Ba dưới thời vua Gia Long tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Sau biến cố kinh thành Huế 1885, chợ bị triệt hạ. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại lấy tên là Đông Ba. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Chợ Đông Ba ban đầu chỉ là một khu chợ nhỏ bên bờ sông Hương, phục vụ nhu cầu buôn bán của người dân địa phương. Trải qua bao thăng trầm, chiến tranh và đổi thay, chợ không ngừng mở rộng và phát triển. Đến nay, chợ trở thành một trung tâm thương mại lớn của TP. Huế với hơn 85 ngành hàng kinh doanh phục vụ thương mại cho dân cư trên địa bàn thành phố và du khách thập phương, thu hút hàng nghìn lượt khách hàng mỗi ngày, là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Huế.
Hoạt cảnh không khí mua bán nhộn nhịp ở chợ Đông Ba do chính bà con tiểu thương trình diễn |
Theo Trưởng BQL chợ Đông Ba, bà Hoàng Thị Như Thanh, trong suốt 125 năm qua, chợ Đông Ba được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, thay đổi thái độ phục vụ khách, tiếp tục khẳng định vị thế của ngôi chợ truyền thống và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Nơi đây, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân, từ những người bán hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp, doanh nhân lớn.
Tại lễ kỷ niệm, BQL cùng bà con tiểu thương đã cùng nhau ôn lại truyền thống chợ qua 125 năm hình thành và phát triển; xem lại những hoạt cảnh về chợ Đông Ba xưa và nay, thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ và bà con tiểu thương. Đồng thời cùng nhau hướng tới tương lai với những kế hoạch phát triển bền vững nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là bảo vệ môi trường kinh doanh để tiếp tục khẳng định vị thế của chợ trong lòng người dân và du khách.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Phan Thiên Định nhấn mạnh: Là một trong 3 chợ truyền thống lớn nhất nước (cùng với chợ Đồng Xuân - Thủ đô Hà Nội và chợ Bến Thành - thành phố Hồ Chí Minh), chợ Đông Ba có vai trò đặc biệt quan trọng đối với TP. Huế, người dân Huế, là trung tâm kinh tế - thương mại, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa Huế và cốt cách con người Huế. Trải qua quá trình dài phát triển, chợ có những thăng trầm theo dòng thời cuộc, nhưng luôn giữ được trong mình đậm chất văn hóa Huế, con người Huế. Đặc trưng này đã tạo nên sức mạnh nội sinh, lợi thế khác biệt giúp cho chợ có thể đứng vững trước những làn sóng cạnh tranh ngày càng gay gắt của cơ chế thị trường. Đó cũng chính là những yếu tố tạo nên những thay đổi diệu kỳ của chợ trong những năm gần đây.
Ông Định đề nghị BQL cùng bà con tiểu thương tiếp tục đoàn kết, đồng lòng; chủ động phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng chợ văn minh, thân thiện, an toàn, giàu bản sắc. Trong đó, tiếp tục đổi mới tư duy, nhanh nhạy tiếp thu, học hỏi các phương thức, công cụ, kỹ thuật kinh doanh mới; linh hoạt, mạnh dạn chuyển đổi các ngành hàng không còn phù hợp để đón nhận cơ hội đưa chợ Đông Ba phát triển lên tầm cao mới, góp phần quan trọng trong việc xây dựng TP. Huế “Văn minh, thân thiện, an toàn, giàu bản sắc”, thúc đẩy kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch thành phố phát triển, cùng toàn tỉnh thực hiện thành công mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.