Một số sản phẩm hình thành từ khởi nghiệp 

Sản phẩm khác biệt

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhấn mạnh, A Lưới xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, đột phá trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm từng bước chuyển dịch ngành nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. A Lưới tập trung phát triển các mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa cộng đồng và đang có mô hình du lịch trải nghiệm mới là du lịch trecking, tour sinh tồn trong rừng nguyên sinh. 

Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng cho rằng, A Lưới đang có những trụ cột phát triển chính. Trong đó, có phát triển các loài dược liệu quý như sâm Bố Chính, thiên niên kiện, ba kích, cà gai leo, dược liệu dưới tán rừng...; phát triển các sản phẩm văn hóa, làng nghề nông thôn truyền thống: dệt dèng, thổ cẩm, các loại rượu, nghề đan lát...; di tích lịch sử văn hóa dân tộc; tài nguyên du lịch tự nhiên (suối khoáng nóng A Roàng, thác A Nor, suối nước nóng Hồng Hạ, rừng nguyên sinh...). Bên cạnh đó, từ hoạt động khởi nghiệp hay thực hiện đề tài KHCN, A Lưới cũng đang phát triển thương hiệu các sản phẩm, đặc sản địa phương (bò vàng A Lưới, cá tầm, chuối già lùn, dê A Lưới, gạo Ra dư...). 

Tại diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, tuy tên gọi có thể gần giống nhau, nhưng sản phẩm của A Lưới vẫn khác sản phẩm địa phương khác trong tỉnh, ở chính câu chuyện sản phẩm, ở chính giá trị lịch sử, văn hoá, truyền thống được truyền tải trong câu chuyện sản phẩm, bao bì nhãn mác sản phẩm. Vì vậy, A Lưới không nên chạy đua số lượng sản phẩm, mà đi sâu tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm của huyện. Hay nói rõ hơn, muốn phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm thương hiệu đặc trưng ở A Lưới cần lan tỏa câu chuyện của một điểm đến. Để khi nghe nhắc đến tên là đã thu hút khách hàng, vẫy gọi du khách trải nghiệm, sử dụng sản phẩm của A Lưới. 

 Cần tiếp tục đầu tư tạo sản phẩm khác biệt, gắn với phát triển du lịch dịch vụ ở A Lưới 

Ông Trương Thanh Hùng, Giám đốc điều hành FiNNO Group, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nêu quan điểm: Đừng đa dạng hóa, đừng tích hợp quá nhiều các sản phẩm từ các nơi khác về A Lưới mà hãy tập trung giữ vững và đào sâu khai thác triệt để giá trị bản sắc, phát triển sản phẩm chủ lực, tài nguyên bản địa của địa phương.

Ông Hùng cũng đưa ra lời khuyên nên tập hợp một tổ chức hoặc doanh nghiệp du lịch đầu tàu để tổ chức quản lý điểm đến, đồng thời điều hướng, định hướng cho du khách biết nên tham gia, trải nghiệm các tour du lịch, dịch vụ hay, đặc sắc trên địa bàn.

Khai thác chuyên sâu từ tài nguyên bản địa

A Lưới có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm chủ lực như các nông sản đặc trưng (thịt bò vàng, chuối già lùn, gạo Ra Dư, gạo nếp than, cá tầm, rượu Đoác...), các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như Dèng, các nhóm sản phẩm đồ uống, thuốc hay mỹ phẩm phát triển từ các loại cây thảo dược. Đặc biệt, A Lưới còn có nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng như: Du lịch sinh thái cộng đồng A Nor, Du lịch sinh thái Pâr Le, homstay Hồng Hạ...

Du lịch A Lưới đã được khẳng định với kết quả năm 2019, Làng du lịch cộng đồng A Nôr (Hồng Kim) được chọn 1 trong 3 Làng du lịch cộng đồng tiểu biểu của Việt Nam; năm 2020, tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng của tỉnh; năm 2022 trở thành sản phẩm OCOP hạng 3 sao về du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh.

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển, ông Hồ Thắng góp ý, huyện A Lưới cần tạo cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, thúc đẩy các dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao từ nguồn lực bên ngoài, cũng như khơi dậy tiềm năng, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế. Trong đó, huyện cần tập trung thu hút đầu tư, phát triển thương hiệu vào chính các sản phẩm đặc trưng, bản địa về dược liệu, nông đặc sản gắn với sản phẩm du lịch cộng đồng để tạo ra những sản phẩm chuyên sâu. 

Để thực hiện thành công hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư gắn với phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền và các bên liên quan cũng cần đa dạng các kênh kết nối xúc tiến, triển lãm kết nối tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra bên ngoài. Làm tốt điều này, mong muốn có nhiều công ty lữ hành đến khai thác phát triển tour tuyến, thu hút du khách đến với A Lưới sẽ thường xuyên và tăng cao, giúp du lịch A Lưới ngày càng phát triển.

 Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp học cách quảng bá, bán hàng online

Để giải bài toán khó về thị trường đang được đặt ra hiện nay, diễn đàn lần này không chỉ bó hẹp ở việc thúc đẩy khởi nghiệp mà còn giúp cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh ở A Lưới được học về kỹ năng truyền thông, marketing... để bắt kịp xu hướng ứng dụng chuyển đổi số. Nhiều HTX, hộ kinh doanh thông qua diễn đàn đã nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các chuyên gia về cách bán hàng online trên các kênh thương mại điện tử, kênh mua bán trực tuyến, mạng xã hội... Hoạt động này còn đem lại hiệu ứng tích cực khi mỗi người dân, mỗi người bán hàng online trở thành đại sứ thương hiệu cho sản phẩm A Lưới từ các nguồn dữ liệu, tư liệu về tài nguyên bản địa, tri thức bản địa riêng có đến với khách hàng, du khách trong nước, quốc tế.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG