Việc mua hàng hóa và đăng ký trả góp qua thẻ tín dụng đang được nhiều ngân hàng triển khai |
Tín dụng số chiếm ưu thế
Thanh toán số, thanh toán trực tuyến không còn xa lạ với người dùng khi hiện nay khối lượng thanh toán qua phương thức điện tử đang tăng trưởng nhanh chóng: Trong 5 năm 2019-2023, tổng giá trị giao dịch qua kênh điện tử tăng gấp 7,7 lần về số món và hơn 8 lần về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng trưởng gấp 10 lần về số món từ gần 4 triệu món lên 40 triệu món, gấp 13 lần về giá trị từ hơn 15 nghìn tỷ đồng lên gần 200 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua internet và mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 43,3% và 94%.
Cùng với thanh toán số, tín dụng số cũng bắt đầu được thúc đẩy trên nền tảng đa dạng dịch vụ hệ sinh thái số mà các tổ chức tín dụng đang triển khai, nhất là sau khi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành. Trên cơ sở đó, các ngân hàng đã triển khai, xây dựng nhiều dịch vụ tín dụng, hỗ trợ tín dụng trên nền tảng số, ngân hàng số.
Đăng ký trả góp qua thẻ tín dụng trên dịch vụ ngân hàng số là một trong những tiện ích được người dùng đánh giá cao.
Có nhu cầu mua xe máy nhưng tài chính vẫn còn thiếu 30 triệu đồng, thay vì vay trả góp tại các công ty tài chính với lãi suất khá cao, chị Diệu Hằng, thành phố Huế lựa chọn thanh toán qua thẻ tín dụng và đăng ký trả góp qua thẻ tín dụng trên ứng dụng ngân hàng số của Vietcombank.
Theo chị Hằng, việc thực hiện đăng ký vay trả góp qua thẻ tín dụng thông qua app ngân hàng khá thuận tiện. Lãi suất trả góp qua thẻ tín dụng cũng thấp hơn nhiều so với vay tín chấp tại ngân hàng hay vay trả góp tại các công ty tài chính. Thậm chí ở một vài cửa hàng có liên kết với ngân hàng, khách hàng chỉ cần trả phí quẹt thẻ theo quy định và được hỗ trợ trả góp với lãi suất 0%.
Tiện ích
Không chỉ trả góp qua thẻ tín dụng, việc các ngân hàng đa dạng các tiện ích dịch vụ tín dụng trên ngân hàng số đã tạo thuận tiện không nhỏ cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Đẩy mạnh giải ngân các khoản vay trên kênh số là một ví dụ.
Lãnh đạo Vietinbank chi nhánh Thừa Thiên Huế cho hay, Vietinbank đang triển khai sản phẩm giải ngân, bảo lãnh online trên Vietinbank eFAST. Với sản phẩm này, doanh nghiệp đã được cấp hạn mức cho vay, bảo lãnh và đã có chữ ký số có thể thực hiện giao dịch giải ngân và phát hành bảo lãnh online ngay trên ứng dụng ngân hàng số Vietinbank eFAST. Hồ sơ giải ngân cũng như phát hành bảo lãnh được doanh nghiệp tải lên trên hệ thống internet banking mà không cần bổ sung chứng từ giấy cho ngân hàng. Đặc biệt, tất cả hồ sơ này được lưu trữ online 100% dễ dàng cho khách hàng trong việc tra cứu, quản lý. Khách hàng sẽ được cập nhật liên tục về trạng thái của giao dịch qua email đã đăng ký với ngân hàng.
Với tính năng này, doanh nghiệp có thể thực hiện giải ngân, phát hành bảo lãnh mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi lãnh đạo doanh nghiệp đang đi công tác. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí xử lý giao dịch cũng như tiết giảm được toàn bộ chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ hồ sơ giấy.
Chị Tố Trang, một khách hàng trải nghiệm dịch vụ Vietinbank eFAST cho biết, trước đây, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ vay vốn với đầy đủ các giấy tờ, sau đó, phải chờ đợi ngân hàng thẩm định, phê duyệt. Thì nay với dịch vụ Vietinbank eFAST, các hồ sơ thủ tục liên quan được cập nhật liên tục, quá trình thực hiện thủ tục vay cũng không mất quá nhiều thời gian, chi phí đi lại của doanh nghiệp.
Không chỉ có Vietinbank hay Vietcombank, nhiều ngân hàng khác cũng đã ứng dụng công nghệ số vào hầu hết các khâu từ tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay.
Nhưng phải đảm bảo an toàn
Cùng với sự nhập cuộc của các ngân hàng thương mại trong thúc đẩy tín dụng số, việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến cho vay bằng phương thức điện tử, tiếp cận dữ liệu dân cư… cũng mở ra cơ hội cho các ngân hàng trong thúc đẩy cho vay trực tuyến.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, việc triển khai các dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử luôn được các ngân hàng thương mại đầu tư. Hiện 100% các ngân hàng đã đầu tư ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào hầu hết các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng ban hành, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn theo giai đoạn và từng năm. Đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện ích, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh lưu ý, các giao dịch tài chính nói chung và cho vay bằng phương tiện điện tử nói riêng đều thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số nên sẽ tiềm ẩn những rủi ro về an toàn thông tin cá nhân, bảo mật thông tin. Để đảm bảo an toàn khi triển khai hình thức cho vay này, các tổ chức tín dụng cần tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin, các quy định về phòng, chống rửa tiền, các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đây là các nguyên tắc và là yêu cầu quan trọng trong cho vay bằng phương tiện điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại một số văn bản pháp luật liên quan.