Rừng tràm xanh ngát |
Ký ức
Chừng hơn 20 năm trước, những “độn cát” ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) hầu như không một bóng cây. Thế hệ học sinh miệt biển như chúng tôi hồi đó ngày ngày phải băng qua trảng cát này mới đến trường được (đóng trên địa bàn xã Điền Hải). Nhiều bạn học sinh từng cảm nắng, chảy máu mũi mỗi khi đi giữa “sa mạc” đầy nắng gió. Cả những thầy cô giáo sinh sống ở Điền Hòa, Điền Hải… công tác ở các vùng ven biển cũng lo lắng mỗi khi phải băng qua vùng cát giữa cái nắng chang chang.
Thầy giáo N.C.D. ở xã Điền Hải kể, hồi đó vùng cát Ngũ Điền rộng lớn không có loài cây nào bám trụ, kể cả dương liễu vốn là loài dễ sinh tồn. Một số chương trình, dự án cũng từng triển khai trồng cây dương liễu trên cát, song chỉ một số ít cây sống sót và cũng chỉ cao chừng vài mét. Cây keo tràm có lẽ là loài dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt như vùng cát Ngũ Điền, nhưng hồi đó lại hầu như chưa ai nghĩ đến chuyện trồng loại cây này.
Một vài kỷ niệm của thầy D. và các thầy cô giáo không bao giờ quên khi lần đầu tiên băng qua vùng cát giữa mùa nắng nóng. Thầy D. nhớ lại, những ngày đầu nhận nhiệm vụ dạy học ở xã Phong Hải, mỗi lần đi bộ qua độn cát đều bị bỏng bàn chân, rát bỏng cả mặt vì không một cây che bóng mát. Thế là, kinh nghiệm mỗi lần đi dạy phải mang loại dép đế thật dày, rồi mang thêm cả những chiếc tàu lá chuối che trên đầu mới có thể hạn chế được nắng nóng làm rát mặt.
Bước ngoặt phủ xanh vùng cát Ngũ Điền bắt đầu chừng hơn 10 năm về trước, sau khi các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép hoàn thành việc khai thác titan đã cùng với các địa phương tổ chức trồng rừng phục hồi, phòng hộ để chống cát bay, cát nhảy. Nhận thấy những cánh rừng trồng của các doanh nghiệp khai thác titan phát triển tốt, một số tổ chức, cá nhân cũng xin nhận đất để trồng tràm. Cũng từ đó, phong trào trồng rừng tràm trên cát ở Ngũ Điền bắt đầu hình thành.
Giờ đây, cảnh đi bộ băng qua vùng cát mênh mông ở Ngũ Điền, nhất là giữa những ngày hè oi bức đã lùi vào dĩ vãng. Dãy đất rộng lớn kéo dài từ vùng ven biển Phong Hải đến các xã Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hương đã phủ một màu xanh ngắt của keo tràm. Giữa những vùng cát này được Nhà nước, doanh nghiệp khai thác khoáng sản đầu tư, hỗ trợ xây dựng các tuyến đường bê tông nối các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất và kinh doanh hàng hóa.
Bảo vệ môi trường, sản xuất
Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền), ông Hoàng Văn Sửu chia sẻ, từ khi những cánh rừng keo, phi lao được phủ xanh trên những vùng cát hoang, cũng là lúc phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển ở địa phương bắt đầu hình thành. Đến nay, trên địa bàn Phong Hải có khoảng 70ha ao hồ nuôi tôm chân trắng của các tổ chức, hộ cá nhân. Những cánh rừng tràm, phi lao không chỉ phủ xanh chống cát bay, cát nhảy, mà còn góp phần bảo vệ hệ thống kênh mương, thủy lợi, ao hồ nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Trồng rừng keo tràm trên cát chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí còn rất thấp, nhưng hiệu quả về bảo vệ môi trường rất lớn. Tính riêng ở xã Phong Hải có đến hàng trăm ha keo tràm, dương liễu chủ yếu bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất và khu dân cư. Hằng năm, chính quyền địa phương cùng với sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền đã tổ chức bảo vệ khá tốt những cánh rừng tràm, nhất là phòng cháy, chữa cháy rừng. Một số vụ cháy rừng nhỏ đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không gây thiệt hại lớn.
Tại xã Điền Môn hiện có khoảng 300ha rừng trồng trên cát ven biển, chủ yếu là keo lưỡi liềm, dương liễu có tác dụng chống cát bay, cát nhảy, bảo vệ môi trường và ao hồ nuôi trồng thủy sản. Trước thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, xã Điền Môn chú trọng nhiều hơn các hoạt động bảo vệ rừng trên cát, đồng thời nghiên cứu và trồng thêm các loài keo chống hạn. Riêng khu vực ven biển, tập trung mở rộng diện tích trồng dương liễu để phòng, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ nuôi trồng thủy sản và khu dân cư.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, không riêng vùng Ngũ Điền, trong nhiều năm qua, ngành kiểm lâm cùng với các địa phương từ Phong Điền đến Phú Lộc quan tâm phát triển rừng phòng hộ, bảo vệ môi trường vùng ven biển, đầm phá. Vùng cát hoang vu một thời ở các địa phương nay đã phủ một màu xanh ngắt của keo tràm, dương liễu và các loài cây trồng bản địa thích hợp.
Tính riêng trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh trồng mới khoảng 500ha rừng trên cát. Đến nay, tổng diện tích rừng trên cát toàn tỉnh gần 30 ngàn ha. Hầu hết các diện tích rừng trên cát được tỉnh giao cho các đơn vị, ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, hộ gia đình… quản lý, bảo vệ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các cánh rừng ven biển đã góp phần bảo vệ môi trường, chống cát bay, cát nhảy, xói lở bờ biển, bờ sông và đầm phá. Từ đó, bảo vệ an toàn cho hệ thống ao hồ, hạ tầng nuôi trồng thủy sản và khu dân cư.
Để bảo vệ và phát triển rừng trên cát ven biển, tỉnh cũng đã có kế hoạch, định hướng trồng rừng trên cát, từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh trồng mới khoảng 2.000ha rừng trên cát ven biển, đầm phá. |