Nghiệp đoàn Ngành Tóc cắt tóc miễn phí cho đoàn viên, người lao động sau lễ ra mắt |
Ngôi nhà chung
Nghiệp đoàn Ngành Tóc vừa được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức công bố và trao quyết định thành lập vào cuối tháng 8/2024. Nghiệp đoàn là sự hợp nhất của các tiệm cắt tóc The Factory BarberShop tại hai cơ sở thuộc phường Xuân Phú và Phường Đúc; The Original Barber House trên địa bàn phường Phú Nhuận và Thành Barbershop thuộc phường Thuận Hòa.
Anh Lê Văn Sơn, Chủ tiệm cắt tóc The Original Barber House được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn. Phát biểu tại lễ công bố thành lập nghiệp đoàn, anh Sơn cho biết, anh rất phấn khởi bởi từ nay anh chị em ngành tóc có nơi để sinh hoạt, giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghề cũng như trong cuộc sống. “Ngoài ba tiệm cắt tóc thành viên hôm nay, chúng tôi sẽ kết nối, vận động thêm các tiệm cắt tóc khác trên địa bàn thành phố để kết nạp thêm hội viên”, anh Sơn chia sẻ.
Trước đó không lâu, LĐLĐ TP. Huế cũng công bố thành lập Nghiệp đoàn Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập phường Xuân Phú. Nghiệp đoàn gồm 4 trường mầm non tư thục và một nhóm trẻ hợp thành. Bà Lê Thị Thơ, Chủ tịch Nghiệp đoàn thông tin, thời gian đầu sẽ ổn định tổ chức, liên kết các đoàn viên và tiến tới đại hội. “Nghiệp đoàn ra đời sẽ tạo điều kiện để các cô giáo mầm non tư thục được sinh hoạt trong một tổ chức chính trị - xã hội; được chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp, đời sống. Bản thân tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt các mục tiêu, chức năng của nghiệp đoàn”, bà Thơ chia sẻ. Đến thời điểm hiện tại, nghiệp đoàn đã kết nạp được 33 đoàn viên. Cô Hồ Thị Thu Sang, giáo viên Trường mầm non Họa Mi tâm sự, vào nghiệp đoàn, cô cảm thấy tự tin hơn, có thêm chỗ dựa, để được bảo vệ, chăm lo khi cần thiết.
Bà Hồ Thị Đoan Trang, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế cho biết: Để tập hợp, thu hút lao động phi chính thức vào tổ chức công đoàn, LĐLĐ TP. Huế tập trung tiếp cận có định hướng, mục tiêu cụ thể đối với người lao động theo ngành nghề ở từng địa bàn. Từ đó, tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc, tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn. LĐLĐ TP. Huế phải sáng tạo nhiều cách làm như tận dụng các thiết chế có sẵn tại địa phương làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt, xây dựng tài liệu, cẩm nang, biểu mẫu, thành lập các nhóm thông tin mạng xã hội, hỗ trợ về kinh phí nhằm tạo điều kiện hoạt động ban đầu cho các nghiệp đoàn.
Theo bà Trang, LĐLĐ TP. Huế sẽ tiếp tục khảo sát, vận động thành lập các nghiệp đoàn tương tự và nghiệp đoàn ở khu vực lao động phi chính thức khác với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”.
Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh tặng quà cho đoàn viên nghiệp đoàn cơ sở mới được thành lập |
Tiếp tục nhân rộng
Vận động người lao động phi chính thức vào tổ chức Công đoàn đang được các cấp công đoàn trong tỉnh ra sức thực hiện. Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, đơn vị vừa thành lập được nghiệp đoàn trực thuộc đầu tiên, đó là Nghiệp đoàn Cơ sở gia công hàng may công nghiệp, tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy. Nghiệp đoàn đã vận động, kết nạp được 33 thành viên ban đầu. Đây là những lao động tự do đang hoạt động tại các cơ sở may gia công. Ngay từ ngày đầu trở thành đoàn viên nghiệp đoàn, người lao động nhận được sự quan tâm, chăm lo của công đoàn cấp trên. Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh trao 6 suất quà cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi phần quà 500 nghìn đồng; trao 32 giấy chứng nhận bảo hiểm con người kết hợp và những phần quà từ chương trình "Cùng em đến trường" là vở, áo, tủ thuốc y tế cho con em đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Vận động lao động phi chính thức tham gia tổ chức công đoàn là cách làm khá mới với các cấp công đoàn. Để đạt hiệu quả, các cấp công đoàn phải đổi mới phương thức, hình thức hoạt động, gần gũi cơ sở. Bên cạnh đó, chú trọng tập huấn về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, kỹ năng đối thoại, thương lượng.
Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong vận động thành lập và tổ chức hoạt động trong các nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức. Dù kết quả đạt được còn khiêm tốn, song đó là những cố gắng bền bỉ, là những thử nghiệm quan trọng nhằm đề xuất chính sách, tìm kiếm giải pháp cho công tác vận động, tập hợp đối với khu vực này trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt khẳng định, đoàn viên nghiệp đoàn sẽ được hưởng mọi quyền lợi như đoàn viên của một công đoàn cơ sở. Cụ thể, họ sẽ được công đoàn tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm phạm, hỗ trợ khi gặp khó khăn; đồng thời tham gia những chương trình phúc lợi, các hoạt động công đoàn... “Vận động lao động phi chính thức vào tổ chức công đoàn giúp tăng cường sức mạnh của tập thể người lao động, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”, bà Nguyệt khẳng định.