TS. Nguyễn Thị Thủy, chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt kết quả đề tài trước hội đồng nghiệm thu |
Đề tài được giao thực hiện nhằm nghiên cứu phân vùng nguy cơ sạt trượt đất cụ thể, khoa học với cách tiếp cận mới trong điều kiện bất thường của thời tiết hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương trong công tác phòng, tránh thiên tai.
Nhóm nghiên cứu thực hiện 6 nội dung: Đánh giá chi tiết hiện trạng sạt trượt đất; đánh giá yếu tố tĩnh, thuộc về mặt đệm và xác lập ảnh hưởng; đánh giá các yếu tố động và xác lập ảnh hưởng đến quy mô, phạm vi phân bố và thời gian xảy ra sạt trượt đất, định lượng hóa tác động của chúng đến độ bền, sức kháng trượt của đất đá tạo nên sườn dốc; phân vùng, cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất khu vực nghiên cứu. Đề tài còn đánh giá độ rủi ro do sạt trượt đất các hạng mục công trình, công trình trên hệ thống thủy điện bậc thang A Lin, Rào Trăng và tuyến đường 71 và nghiên cứu đề xuất các giải pháp phòng tránh sạt trượt đất phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực nghiên cứu.
Qua công tác thực địa và phân tích ảnh viễn thám trên công nghệ GEE, đề tài đã xác định được 276 khối trượt, phần lớn được hình thành sau đợt mưa lũ lớn vào tháng 10/2020, có 21 khối trượt đã xuất hiện giai đoạn trước 2020 nhưng tiếp tục kích hoạt trong tháng 10/2020. Các khối trượt phân bố chủ yếu ở khu vực trung tâm phía Bắc thung lũng sông Rào Trăng. Trong 276 khối trượt, có 167 khối trượt xảy ra trên sườn dốc tự nhiên và 109 khối trượt xảy ra trên sườn dốc nhân tạo. Phần lớn các khối trượt xảy ra trên sườn dốc nhân tạo thuộc loại nhỏ, ngoại trừ các khối trượt xảy ra ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, độ rủi ro..., nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất các giải pháp phòng chống sạt trượt cụ thể cho khu vực A Lin - Rào Trăng, như: Quy hoạch dân cư và phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó sạt trượt đất theo cấp độ rủi ro thiên tai, thiết kế và xây dựng mái dốc hợp lý, xây dựng hệ thống cảnh báo sạt trượt và một số giải pháp phi công trình khác...