Sóng nhiệt có nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái biển. Ảnh: Getty Images |
Tại Síp, nhiệt độ kỷ lục đang thiêu đốt cả đất liền và vùng biển xung quanh. Hiển nhiên, bờ biển ở đây đang phải đối mặt với những vấn đề đáng lo ngại. Năm ngoái, đây là một thảm cỏ biển tươi tốt, là nơi trú ẩn của rùa biển và cá đuối. Nhưng bây giờ, đây là một vùng biển không có sự sống, chỉ rải rác những tàn dư sót lại của loài bọt biển đã từng phát triển mạnh.
Louis Hadjioannou, nhà nghiên cứu về sinh thái biển tại CMMI ở Síp cho biết sự gia tăng nhiệt độ ngày càng cao và kéo dài rõ ràng đang ảnh hưởng đến các sinh vật. Và trong khi các sinh vật bản địa đang phải vật lộn với nhiệt độ tăng cao, các loài ngoại lai từ Biển Đỏ gần đó đang di cư vào, làm phức tạp thêm hệ sinh thái.
Ngoài ra, các dữ liệu thu thập được cho thấy vùng biển của Síp ấm lên quanh năm, đặc biệt là ở vùng nước nông - nơi sự sống phụ thuộc nhiều vào các rạn san hô mỏng manh.
Các nhà nghiên cứu cũng phân tích các mẫu trầm tích từ các vùng biển nước sâu và nhận thấy sóng nhiệt có thể ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm và các biến số khác. Thậm chí, nhiều loài sinh vật có thể tuyệt chủng vì nước quá nóng hay trầm tích quá nóng, hoặc chất dinh dưỡng đã thay đổi do biến đổi khí hậu và sóng nhiệt.
Cuộc khủng hoảng ở vùng biển Síp chỉ là một ví dụ về một hiện tượng toàn cầu đang được theo dõi chặt chẽ. Tiến sĩ Karina von Schuckmann, một nhà hải dương học chuyên về giám sát khí hậu đại dương giải thích rằng những đợt nắng nóng gia tăng này là một trong những hậu quả của sự mất cân bằng nhiệt trên hành tinh chúng ta.
Sóng nhiệt trên biển – hiện tượng nhiệt độ nước biển cao bất thường trong thời gian kéo dài, đang lan rộng trên khắp các đại dương trên toàn thế giới như cháy rừng. Chúng đe dọa các hệ sinh thái, nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch, và có thể kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Ở Địa Trung Hải, nhiệt độ bề mặt biển đã liên tục tăng kể từ những năm 1980, một xu hướng dự kiến sẽ tiếp diễn trong suốt thế kỷ 21. Thậm chí, các nhà khoa học ước tính rằng 90% rạn san hô còn lại trên thế giới có thể biến mất vào năm 2050.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các rạn san hô, một nhóm các nhà khoa học tại Síp đang thử nghiệm các vườn ươm san hô. Họ đặt các mảnh san hô có nguy cơ tuyệt chủng ở một khu vực an toàn, tránh xa các loài săn mồi để bảo vệ sự phát triển của chúng. Các mảnh san hô này sau đó sẽ được cấy xuống đáy biển, hỗ trợ tái tạo các hệ sinh thái rạn san hô khỏe mạnh.
“Chắc chắn biển sẽ đổi khác trong 10 – 20 năm nữa. Chúng tôi đang nỗ lực để ít nhất có thể cứu lấy một số loài quan trọng nhằm hỗ trợ cho phần còn lại của đa dạng sinh học. Với những thay đổi chắc chắn sẽ diễn ra, chúng tôi hy vọng chúng sẽ không quá tệ và không gây tử vong cho sinh vật biển”, nhà nghiên cứu Hadjioannou cho biết.
(Lược dịch từ CNA & Straitstimes)