Anh Phú chăm sóc vườn bonsai |
Nằm nép mình trong con hẻm nhỏ, dù diện tích không lớn, thế nhưng ngôi nhà nơi anh Phú đang sinh sống cùng cha mẹ mình lại xanh ngát bóng cây. Trước nhà, những chậu hoa sứ, hoa giấy, hoa súng, hoa ngũ sắc trổ bông rực rỡ. Mỗi cây đều được chăm bón cẩn thận, phân tầng, phân tán để dễ chăm sóc và tăng diện tích sử dụng.
Ít ai biết chủ nhân của khu vườn trên lại là một người khuyết tật (NKT) và hầu hết mọi nhu cầu sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc xe lăn. Vừa tỉ mỉ dùng kéo cắt tỉa cành lá, anh Phú vừa kể: “11 năm trước, tôi không may mắc căn bệnh u tủy sống. Chạy chữa điều trị khắp nơi, dù trải qua các cuộc phẫu thuật và tập phục hồi chức năng, nhưng đôi chân của tôi vẫn yếu dần và không thể đi lại được nữa”.
Cú sốc quá lớn trước căn bệnh hiểm nghèo đã gần như lấy hết niềm vui của anh Phú. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, những hoạt động sinh hoạt ngày thường của anh phải phụ thuộc vào sự chăm sóc, trợ giúp của người khác. “Lúc ấy, tâm trạng tôi vô cùng chán chường, mệt mỏi. Chỉ ước sao có thể trở lại như những ngày còn khỏe mạnh”, anh chia sẻ.
Chính trong giai đoạn bi quan ấy, sắc màu và vẻ đẹp từ những mầm xanh đã mang đến niềm vui sống cho anh Phú. Từ những chậu hoa giấy, hoa sứ đầu tiên, anh đã nhìn thấy một bản thân khác, yêu đời và có ích hơn rất nhiều. Tìm tòi và học hỏi kiến thức từ người quen, bạn bè và trên mạng xã hội, kỹ năng chăm sóc cây cảnh của anh dần tiến bộ. Chỉ trong vòng 3 năm, khu vườn quanh nhà anh đã phủ đầy tán các loại cây cảnh, bonsai với nhiều dáng, thế khác nhau.
Anh Phú chia sẻ: “Nhìn những cây cảnh đẹp với màu hoa, đường gân lá bắt mắt, tôi lại càng muốn những loại cây cảnh, loại hoa ấy được đặt vào vị trí xứng đáng. Bởi thế, tôi mày mò học thêm nghề đúc chậu để có thể tự tay làm nên những chiếc chậu trồng cây theo đúng sở thích và gu cây cảnh của mình”.
Chật vật học nghề trên chiếc xe lăn, với sự hỗ trợ của người quen, bạn bè, anh Phú đã có thể đúc những chiếc chậu với nhiều kích thước khác nhau. Chiếc lớn nhất anh đúc là chậu cao có kích thước 70x70x70cm. Hiện nay, nhờ khuôn nhựa composite mà việc đúc chậu dễ dàng hơn rất nhiều, từ đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để anh Phú có thêm công ăn việc làm. Nhờ tỉ mỉ và chỉn chu, những chiếc chậu của anh cũng dần được nhiều người biết đến. Tùy kích thước mà chậu đúc có giá từ 150 – 800 nghìn đồng/cái.
Riêng với các loại cây cảnh, nhờ chăm sóc tốt và đầu tư vào dáng, thế cho bonsai, các loại cây cảnh được anh ghép, dưỡng và uốn có giá từ vài trăm đến hơn hai triệu đồng/chậu tùy loại. Không chỉ thế, anh còn đam mê nuôi cá guppy và cá betta, cung cấp cho thị trường với đủ mức giá, tùy màu sắc và chất lượng cá.
Hạnh phúc với những gì mà bản thân mình tạo nên, anh Phú bộc bạch: “Vẻ đẹp của cây cảnh và các loại cá giúp tôi cảm thấy đôi bàn tay này vẫn có thể chăm sóc và nuôi dưỡng cái đẹp, mang lại thu nhập và niềm vui cho bản thân. Tôi chỉ hy vọng sức khỏe ngày càng tiến triển tốt để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này”.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Chủ tịch Hội NKT huyện Phú Vang nhận xét: “Vượt qua nghịch cảnh để có thể tìm thấy đam mê, nghề trồng bonsai và nuôi cá cảnh đã mang đến nguồn thu và niềm vui sống cho anh Phú. Chúng tôi tin rằng, với nghị lực ấy, công việc của anh Phú sẽ ngày càng phát triển và trở thành nguồn cảm hứng để tạo động lực cho những NKT khác học hỏi, vươn lên”.